Tìm cách “kéo khách” đến chợ truyền thống
Sức mua thấp, kinh doanh ế ẩm
Bà Lê Hồng Loan, chủ sạp 812 – 814, chợ Bến Thành (khu chợ truyền thống lâu đời nhất nhì TP. Hồ Chí Minh) - cho biết, mặc dù du lịch đã mở cửa trở lại từ ngày 15/3, song khách du lịch chưa có nhiều. Khách nội địa cũng bắt đầu nhiều trở lại, song sức mua thấp. Do đó, việc buôn bán khá ế ẩm. “Hồi đó bán khách đông, còn bây giờ thì rất vắng. Từ khi mở cửa trở lại đến nay sạp bán không đủ để đóng tiền thuế nữa, lấy vốn ra để bán luôn. Các sạp cũng chưa có mở nhiều vì không đủ tiền đóng thuế, tiền nhân viê’n’, bà Lê Hồng Loan tâm sự.
Khu vực ăn uống tại khu chợ Bến Thành vắng vẻ |
Theo ông Lê Minh Hiệp - Phó trưởng Ban quản lý chợ Bến Thành, khoảng 2 tuần trở lại đây, lượng khách tăng dần lên, số lượng tiểu thương mở cửa cũng đã khá hơn. Nếu đầu tháng 10/2021, lượng tiểu thương mở bán chỉ khoảng 120 tiểu thương thì đến nay được khoảng 600, nhưng con số này mới chỉ được khoảng 1/3 số sạp của chợ. “Đặc thù của chợ là gắn liền với du lịch, do đó nó sẽ phụ thuộc vào sự phát triển của ngành du lịch. Hiện nay khách du lịch trong nước và quốc tế chưa có đông như trước nên bà con cũng phải theo dõi tình hình, nếu kinh doanh có hiệu quả thì người ta mới mở hàng”- ông Lê Minh Hiệp nói
Tình trạng đóng sạp diễn ra phổ biến ở các khu chợ truyền thống tại TP. Hồ Chí Minh |
Số liệu thống kê của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho thấy, trong quý I/2022 tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thành phố giảm 4,8% so với cùng kỳ cho thấy sức mua của người tiêu dùng chưa phục hồi hoàn toàn. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 1,51% so với cùng kỳ (trong khi đó ở thời điểm này vào năm ngoái, chỉ số này chỉ tăng 0,84%). Những con số này cho thấy, sức cầu trên địa bàn thành phố hiện vẫn còn thấp.
Cũng theo Sở Công Thương, hiện trên địa bàn thành phố có 234 chợ truyền thống, tuy vậy các chợ hoạt động trở lại chủ yếu tập trung mua bán trong lĩnh vực thực phẩm, hàng thiết yếu còn khu gian hàng giày dép, quần áo, hàng lưu niệm… còn khá thưa thớt.
Các chợ chủ yếu buôn bán hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân |
Việc chợ truyền thống vắng khách dẫn tới tình trạng sang nhượng hàng quán trong các chợ truyền thống ngày càng nhiều và kéo dài đến mức báo động. Những hàng quán còn hoạt động được cũng ế ẩm kéo dài, nhiều thương nhân ngóng trông lượng khách ít ỏi và chán nản. Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Dũng - Chuyên gia kinh tế đánh giá: Có nhiều nguyên nhân khiến các chợ ế ẩm, song nguyên nhân lớn nhất là do hậu quả của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng khiến người dân thắt chặt chi tiêu hơn khiến sức cầu giảm. Ngoài ra, khách hàng chuyển thói quen mua sắm qua mua sắm online hay mua gần nhà qua hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Nhiều người chuyển từ nghề khác sang mua bán hàng hóa như trong chợ bán, làm tăng số lượng người bán khiến các chợ truyền thống khó cạnh tranh.
Giảm thuế phí cho tiểu thương khi mở sạp
Để hoạt động kinh doanh, buôn bán tại các chợ truyền thống diễn ra sôi động hơn, ông Nguyễn Hoàng Dũng đề xuất, thành phố cần triển khai nhanh các gói hỗ trợ để kích cầu tiêu dùng, đồng thời giảm bớt hoặc miễn một số loại phí, thuế cho nhằm khuyến khích họ mở sạp trở lại. Bên cạnh đó, Sở Công Thương cần rà soát, kiểm tra, quy hoạch lại hệ thống chợ truyền thống, khu vực nào nên đầu tư thêm, khu vực nào nên giảm bớt số lượng, nhất là nghiên cứu đưa ra những tiêu chí mới phù hợp với nhịp phát triển mới của thành phố. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng kiểm soát thị trường. Ngoài ra, cần chuyển đổi công năng những mặt bằng không sử dụng hết, chuyên nghiệp hóa chợ từ chỗ gửi xe tới chỗ đi vào chợ, làm cho chợ kinh doanh văn minh hơn.
Còn theo bà Huỳnh Thị Mỹ Nương, Tổng Giám đốc Công ty đào tạo lãnh đạo và dịch vụ phát triển bền vững - SLDT, để tiểu thương quay trở lại, ngoài những gói hỗ trợ của Nhà nước cần tổ chức những khóa đào tạo về pháp luật, giao tiếp ứng xử, sắp xếp trưng bày, đóng gói giao hàng, đặc biệt về công nghệ cho tiểu thương. Bởi vì với người trẻ thì điều này rất dễ nhưng tiểu thương trong chợ phần đông là những người đã có tuổi.