Tháng 4 - Bên ven bờ Hiền Lương
Đứng trên đầu cầu Hiền Lương- chiếc cầu biểu tượng chia cắt đất nước hơn 20 năm (1954 - 1975) vừa được sơn lại mới, mang hai màu xanh - vàng như chứng tích xưa, anh Ngô Thanh Bảo- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích - danh thắng tỉnh Quảng Trị cho tôi biết, lễ hội Thống nhất non sông lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2000 là loại hình lễ hội mới- lễ hội cách mạng - mang nội dung tri ân, tưởng niệm những chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống hai bên bờ sông trong suốt 20 năm chia cắt. Với tầm vóc và giá trị lịch sử của di tích, đồng thời với quy mô của lễ hội năm nào cũng đón cả vạn người khắp nơi đến với dòng sông và cây cầu lịch sử này, nên từ năm 2010, lễ hội Thống nhất non sông được nâng lên quy mô lễ hội quốc gia, 5 năm một lần.
Tôi còn nhớ lần đầu tiên tham dự lễ hội vào sáng 1/5/2005, nhân kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong dòng người về trẩy hội hôm đó, tôi đã thấy những “bà mẹ Gio Linh”, những đoàn dân quân hỏa tuyến năm xưa, người dân Cửa Tùng, Cửa Việt, Vĩnh Thành, Vĩnh Giang, Vĩnh Kim… như suối nguồn khắp nơi đổ về, ken kín hai bên bờ sông Bến Hải. Tôi còn nhìn thấy những bộ váy màu sặc sỡ của các cô thôn nữ, bà mế Pa Kô, Tà Ôi.. từ núi rừng Hướng Hóa, Vĩnh Ô, Linh Thượng cũng về tham dự. Hơn thế nữa, tôi còn bắt gặp những cựu binh Hoa Kỳ, Nhật, Úc, Philippines, Hàn Quốc… từng tham chiến ở khu vực Trị Thiên xưa và cả những người lính Việt Nam từng ở hai bên chiến tuyến trước đây giờ đứng bên nhau cùng hoài niệm lại những năm tháng đã qua, suy ngẫm về những giá trị của hòa bình và đoàn tụ.
Ngày ấy, dưới chân Kỳ đài Hiền Lương, nhiều người đã rơi nước mắt khi thấy đoàn đại biểu tỉnh Lạng Sơn mang theo nắm đất lấy từ km số 0 cửa khẩu Hữu Nghị, đoàn đại biểu tỉnh Cà Mau mang ra tảng phù sa lấy từ chân bia ghi tọa độ cuối cùng của đất Mũi cùng dâng lên Kỳ đài Hiền Lương trong nghi lễ “dâng đất thiêng” nhằm biểu thị sự hội tụ, thống nhất, khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ và chân lý “Nước Việt Nam là một”. Tiếp đó, trên cầu Hiền Lương lịch sử, mọi người xúc động khi chứng kiến hình ảnh, hai đoàn người đến từ Lạng Sơn và Cà Mau chưa một lần được đặt chân tới sông Bến Hải cùng với những người mẹ Gio Linh và những đứa con Vĩnh Linh từ hai bờ Nam Bắc tiến ra gặp nhau chính giữa cầu di tích, ôm choàng lấy nhau, mừng mừng tủi tủi, trao nhau những chiếc khăn rằn Nam Bộ trong ngày đoàn tụ khi đất nước thống nhất năm 1975….
Đêm. Sông Bến Hải và cầu Hiền Lương ngập tràn ánh sáng. Trong khung cảnh vắng lặng của dòng sông huyền thoại khi từng chiếc đèn hoa đăng được thả xuống dập dềnh trên sóng nước, tôi sững sờ khi thấy bên cạnh tôi, mẹ liệt sĩ Trương Thị Tứ- ở Nhĩ Hạ, Gio Thành, một bà mẹ Gio Linh, Quảng Trị đã mềm người khóc nấc lên khi nghe “điếu ca” vang vang hờn tủi…
“…Bên nớ Cát Sơn, bên ni Tùng Luật mẹ bồng con khắc khoải ruột gan,
Nọ là Võ Xá, này là Hiền Lương vợ ngóng chồng chờ mong héo hắt.
Đem áo ra sông mà giặt, áo mòn dạ vẫn trinh nguyên,
Đưa lưới xuống bến để phơi, lưới khô mắt thì đẫm huyết...
Tình trong lá thiếp, một câu hò trên bến Hiền Lương,
Chí ở ngọn cờ hai ngón tay hẹn ngày thống nhất…”.
Vâng, 2 ngón tay- 2 năm thế mà kéo dài hơn 8.000 ngày đăng đẳng…!
Năm 2010, khi lễ hội Thống nhất non sông được công nhận là lễ hội cấp Nhà nước, tổ chức với quy mô cấp quốc gia, ngày 30/4 hôm ấy trước nghi lễ “thượng cờ” là lễ “hòa nước thiêng” xuống dòng Hiền Lương - Bến Hải. Hôm ấy, đoàn đại biểu của tỉnh Cao Bằng đã mang vào một bầu nước lấy từ đầu nguồn Pắc Bó, suối Lê-nin - nơi chiến khu Việt Bắc và đoàn đại biểu tỉnh Kiên Giang đã mang ra bầu nước lấy từ cuối dòng sông Hậu- nơi hợp lưu của 9 dòng sông phương Nam (Sông Cửu Long) gửi về hòa cùng dòng Bến Hải.
Ý nghĩa hơn, tại lễ hội Thống nhất non sông năm 2011, Bộ tư lệnh Hải quân đã mang đến đặt trong khuôn viên kỳ đài Hiền Lương 21 hòn đá từ các đảo, điểm đảo trong quần đảo Trường Sa và những cây bàng trái vuông biểu tượng cho chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam trên biển Đông. Khẳng định Tổ quốc Việt Nam không chỉ ở đất liền và những người con của Tổ quốc vẫn đang cầm chắc tay súng vững vàng ngoài đảo khơi xa…
Phạm Thị Thủy - nữ hướng dẫn viên cho biết: “Em chứng kiến rất nhiều người đến thăm cầu Hiền Lương, dâng hương ở kỳ đài giới tuyến đã òa khóc nức nở. Họ bảo chỉ cần đặt được bước chân lên cây cầu lịch sử là niềm hạnh phúc vô cùng lớn rồi, huống hồ còn được nhìn thấy cả một sự đổi thay đầy sức sống trên “miền đất chết” của đồng bào đôi bờ Bến Hải như thế này”. |
Lễ hội Thống nhất non sông năm 2015- kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, anh Ngô Thanh Bảo cho biết được tổ chức trong khoảng thời gian 29/4 - 1/5/2015 với những hoạt động chính như Hội trại “Thống nhất non sông”; lễ thượng cờ “Thống nhất non sông”; đón Bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt cho hệ thống làng hầm Vĩnh Linh và địa đạo Vĩnh Mốc; giải đua thuyền “Thống nhất non sông”; các hoạt động tri ân... Đặc biệt là chương trình nghệ thuật hoành tráng “Bài ca thống nhất” diễn ra tối 29/4 tại sân khấu đầu cầu Hiền Lương, bờ Nam sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị- nơi khởi nguồn của nỗi đau chia cắt, niềm vui sum họp. Đây là chương trình nghệ thuật đặc biệt, quy mô cấp quốc gia diễn ra trong 60 phút, được chia thành 3 chương “Nơi đây giới tuyến,” “Khát vọng thống nhất,” “Đường bốn mùa xuân”. “Bài ca thống nhất” là khúc tri ân đồng bào, đồng chí đã hy sinh anh dũng trên mặt trận Quảng Trị, các chiến trường miền Nam trong những năm tháng kháng chiến cứu nước.
Trong câu chuyện, anh Ngô Thanh Bảo trầm ngâm nói với tôi, như tâm sự với những người đã trải qua cuộc chiến: Chiến tranh đã qua đi 40 năm và người ta ngày càng thấy sự quý giá của hòa bình, thống nhất. Không còn bắt gặp nỗi đau như nhà thơ Tế Hanh khi từ Hà Nội vào cầu Hiền Lương - sông Bến Hải năm 1959 đã phải thổn thức “Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị/ Tận chân trời mây núi có chia đâu”. Hay niềm vui hòa bình của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trước đêm ký Hiệp định Paris 1973: “Tôi đứng một mình trên bờ Nam sông Bến Hải, kính cẩn chờ giây phút mà toàn thế giới sẽ trả lại bờ thứ hai cho dòng sông bị vỡ đôi này của đất nước tôi…” . Không còn cảnh “Cách một dòng sông đó thương đây nhớ /Chỉ bảy nhịp cầu duyên nợ xa nhau”