Tăng trưởng GDP năm 2022: Lạc quan nhưng đừng chủ quan!
Nhiều dự báo tích cực cho tăng trưởng GDP
Trải qua gần nửa chặng đường của năm 2022, nền kinh tế trong nước ngày càng bộc lộ rõ ràng hơn sự hồi phục sau hơn 2 năm suy giảm do chịu tác động từ đại dịch Covid-19 thông qua số liệu thống kê về tình hình tăng trưởng công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư và doanh nghiệp gia nhập thị trường.
Nhiều dự báo lạc quan về tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 |
Trong bối cảnh đó, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Globa Ratings vừa nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “Ổn định”. Cùng với đó, tổ chức này cũng dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 có thể đạt khoảng 6,9% với xu hướng dài hạn là 6,5-7% từ năm 2023.
Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẫn giữ dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022 là đạt khoảng 6,5% và 6,7% vào năm 2023.
Theo ông Andew Jeffries – Giám đốc quốc gia ADB, mức tăng trưởng kỳ vọng được đưa ra thông qua tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 của Việt Nam rất cao, qua đó giúp Chính phủ, cơ quan chức năng của Việt Nam triển khai những biện pháp ngăn chặn mang tính chất linh hoạt với dịch bệnh, đồng thời mở rộng thương mại và phát triển du lịch. Đặc biệt, vị chuyên gia này còn đánh giá cao Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam được Quốc hội phê duyệt vào đầu năm 2022 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua các chính sách hỗ trợ khu vực doanh nghiệp và người lao động.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đang có sự phục hồi rõ nét, thể hiện qua rất nhiều chỉ số như: Tăng trưởng của ngành công nghiệp đạt 8,3% so với cùng kỳ năm trước; xuất nhập khẩu hàng hoá đạt 305,1 tỷ USD, tăng 15,6%, trong đó xuất khẩu tăng 16,3% và nhập khẩu tăng 14,9%; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân tăng 7,8%; số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đầu năm là 62.961 doanh nghiệp, đạt mức cao nhất trong 5 tháng đầu năm từ trước đến nay và tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước…
Đặc biệt, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Ngành nông nghiệp là một điểm nhấn rất tích cực trong bức tranh kinh tế Việt Nam khi tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thuỷ sản 5 tháng đầu năm đạt 23,2 tỷ USD, tăng 16,8%, thặng dư thương mại đạt gần 5,1 tỷ USD, tăng 3,1 lần so với cùng kỳ. Trong đó, có 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, bao gồm: Cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ, đầu vào phục vụ sản xuất.
“Trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn đang diễn biến phức tạp, vấn đề an ninh lương thực toàn cầu bị đe dọa nghiêm trọng, nạn đói diễn ra ở một số nơi trên thế giới, thì việc Việt Nam có một nền nông nghiệp đảm bảo nhu cầu trong nước và xuất khẩu được đánh giá cao. Đây cũng là tiền đề, là nhân tố quan trọng để Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô, chinh phục mục tiêu tăng trưởng trong thời gian tới”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh bày tỏ quan điểm.
Song cũng không chủ quan trước những diễn biến khó lường của nền kinh tế thế giới |
Song, đừng chủ quan với diễn biến khó lường của kinh tế thế giới
Với mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022 có thể đạt từ 6,5-6,9% của ADB và S&P Globa Ratings, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 rất có thể sẽ đạt mục tiêu đề ra từ đầu năm của Chính phủ là tăng trưởng khoảng 6,5%.
Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng, không thể chủ quan với mục tiêu tăng trưởng năm 2022, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường đang "chặn" đà tăng của kinh tế thế giới. Trên cơ sở đó, nhiều tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu.
Cụ thể, báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 từ 4,1% xuống còn 2,9% do nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới được dự báo giảm.
Cùng quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định, môi trường kinh doanh ngày càng xuất hiện những thách thức mới, khó lường. Trong khi đó, một số nền kinh tế lớn trên thế giới như Hoa Kỳ đang bộc lộ những dấu hiệu chững lại, lạm phát tăng cao.
Cùng với Hoa Kỳ, kinh tế châu Âu cũng đang đối mặt với nguy cơ suy thoái khi giá dầu và kim loại tăng cao do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine, trong khi đó, kinh tế Trung Quốc đứng trước dự báo tăng trưởng chậm lại.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đánh giá, tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine khiến giá năng lượng và một số mặt hàng nguyên, nhiên liệu tăng cao đang đặt ra cho nền kinh tế toàn cầu nói chung và nhiều quốc gia trên thế giới nói riêng rất nhiều thách thức. Việt Nam không thể nằm ngoài thách thức đó, bởi hiện chúng ta đã hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nên những diễn biến của tình hình kinh tế thế giới đều tác động đến Việt Nam.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp trên thế giới và xung đột giữa Nga và Ukraine trong thời gian qua đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến giá nhiên liệu và nguồn cung nguyên vật liệu cho sản xuất của khu vực doanh nghiệp. Để khắc phục tình trạng thiếu nguồn cung nguyên, nhiên liệu đầu vào và hạn chế đà tăng giá của các mặt hàng trên, đảm bảo sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp và mục tiêu tăng trưởng, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào các giải pháp, bao gồm:
Thứ nhất, cần đảm bảo an ninh, an toàn năng lượng. Như chúng ta biết, năng lượng là yếu tố đầu vào rất quan trọng cho sản xuất, lưu thông hàng hóa. Vì vậy, Chính phủ cũng như Bộ Công Thương cần có các biện pháp, chính sách đảm bảo nguồn cung năng lượng phục vụ cho sản xuất và lưu thông, trong đó chú trọng và sử dụng tối đa năng lượng tái tạo, có chính sách điều tiết hợp lý trong từng giai đoạn để đảm bảo chủ động nguồn cung năng lượng.
Thứ hai, các bộ, ngành tiếp tục tăng cường cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho sản xuất, thương mại và xuất nhập khẩu, trong đó Bộ Công Thương cần có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ giúp các doanh nghiệp sản xuất nguyên, nhiên liệu, vật liệu và linh kiện phát triển, đảm bảo nguồn cung trong nước đạt chất lượng cũng như giá thành hợp lý và từng bước chủ động về nguồn cung trong nước. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa thị trường nguồn cung nguyên liệu, đảm bảo hàng hóa xuất nhập khẩu được thông suốt, đẩy mạnh liên kết, hợp tác quốc tế.
Thứ ba, bên cạnh nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thì các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm nguồn nguyên liệu trong nước để thay thế một phần nguồn nguyên liệu nhập khẩu, chủ động đàm phán với các đối tác về phương án vận chuyển hàng hóa, có các biện pháp phòng ngừa rủi ro khi ký kết và thực hiện hợp đồng.