Sở Công Thương Trà Vinh thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt Nam
Theo Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh, hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Bộ Chính trị phát động, từ đầu năm đến nay, tỉnh Trà Vinh đã tổ chức 4 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn. Mỗi phiên chợ thu hút từ 5.000 - 8.000 lượt khách đến tham quan và mua sắm/ngày, đêm, với tổng doanh thu bán hàng của doanh nghiệp tham gia đạt 550-750 triệu đồng/phiên.
Các mặt hàng bán tại các phiên chợ chủ yếu là hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày; sản phẩm chế biến, quần áo may sẵn, giày dép; các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của các địa phương; sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)…
Tháng 10 vừa qua, Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh cũng tổ chức 3 cuộc tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá sản phẩm trực quan ngoài trời cổ động chương trình hàng Việt lưu động tại các huyện Cầu Ngang, Trà Cú và Duyên Hải. Mỗi điểm diễn ra trong 1 ngày với sự tham gia của hơn 15 doanh nghiệp trong tỉnh; tuyên truyền, quảng bá thương hiệu các đặc sản, sản phẩm đặc trưng đạt chuẩn OCOP, mặt hàng tiêu dùng thiết yếu... cùng các chương trình khuyến mại hấp dẫn; thu hút khoảng 500 lượt khách/điểm đến tham quan, mua sắm.
Ngoài ra, dịp lễ hội Ok Om Bok của đồng bào Khmer Nam Bộ năm nay, từ ngày 9-15/11/2024, tỉnh Trà Vinh tổ chức hội chợ xúc tiến thương mại - sản phẩm công nghiệp nông thôn và OCOP năm 2024, quy mô 300 gian hàng của 165 đơn vị trong và ngoài tỉnh tham gia, chủ yếu bán và quảng bá, giới thiệu hàng Việt Nam chất lượng cao đến người tiêu dùng. Hội chợ thu hút trên 50.000 lượt khách tham quan, mua sắm với tổng doanh thu đạt hơn 10 tỷ đồng.
Các sự kiện xúc tiến tiêu thụ hàng Việt được lồng ghép vào nhiều hoạt động khác nhau (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Trà Vinh) |
Các sự kiện xúc tiến thương mại hàng Việt còn được Sở Công Thương Trà Vinh lồng ghép trong nhiều hoạt động.
Đây là các hoạt động nhằm tạo điều kiện để người dân, nhất là người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Trà Vinh được tiếp cận hàng Việt Nam chất lượng cao, xuất xứ rõ ràng, đúng giá niêm yết và phù hợp với người tiêu dùng vùng nông thôn; đáp ứng nhu cầu mua sắm của bà con, kích cầu tiêu dùng các mặt hàng nội địa. Đây cũng là dịp để các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất tiếp cận với thị trường nông thôn, từng bước xây dựng mạng lưới kênh phân phối, mở rộng thị trường, tạo dựng uy tín thương hiệu hàng hóa.