Quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến bô-xít: Khuyến khích đầu tư trong nước
Thí điểm khai thác
Theo Cục Công nghiệp, dù nước ta có nhiều loại tài nguyên khoáng sản nhưng đa số có trữ lượng nhỏ, chỉ một số ít loại khoáng sản có quy mô tài nguyên tương đối lớn, trong đó có bô-xít.
Phát triển đồng bộ ngành công nghiệp bô-xít |
Nhiều năm qua, hầu hết tài nguyên khoáng sản của Việt Nam đã được huy động vào khai thác, trong đó một số ít loại khoáng sản có trữ lượng lớn, có khả năng khai thác và chế biến ở quy mô công nghiệp được cấp phép khai thác và chế biến như nikken (mỏ niken Bản Phúc), wonfram (mỏ Núi Pháo)... Tuy nhiên, các loại khoáng sản này chỉ đủ khả năng khai thác trong vài chục năm tới nếu không phát hiện thêm các mỏ mới, trừ quặng bô - xít và titan.
Riêng bô - xít, theo Cục Công nghiệp, đây là loại khoáng sản trữ lượng rất lớn, song hiện mới chỉ dừng ở mức độ sản xuất thí điểm tại 2 dự án do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư. Bước đầu triển khai phát triển ngành công nghiệp bô-xít – alumin - nhôm tại Việt Nam đã cho thấy những định hướng trong quy hoạch phù hợp với tình hình thực tế.
Đặc biệt, việc thực hiện 2 dự án khai thác bô-xít và sản xuất alumin bước đầu hình thành ngành công nghiệp bô-xít Việt Nam, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào dự án sản xuất alumin quy mô lớn; thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất, xây dựng, giao thông vận tải, chế tạo cơ khí, thiết bị.
Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu của một số tổ chức trên thế giới cho thấy, nhu cầu alumin trên thế giới tiếp tục tăng cao (dự báo đến năm 2030, nhu cầu alumin thế giới thiếu hụt khoảng 80 triệu tấn/năm). Do vậy có thể nói, hiện nay cơ hội tốt nhất cho ngành công nghiệp bô-xít - alumin của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng alumin toàn cầu.
Kết quả và định hướng lớn
Theo Tập đoàn TKV, từ khi sản xuất thương mại (tháng 10/2013) đến hết năm 2018, 2 dự án bô - xít Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đăk Nông) đã có lãi, đóng góp vào ngân sách của 2 địa phương mỗi năm 400 tỷ đồng, tạo việc làm cho 1.200 lao động với thu nhập bình quân tháng 10,5 triệu đồng/người.
Mỗi năm, hàng triệu tấn alumin được khai thác, chế biến từ 2 dự án bô - xít Tân Rai và Nhân Cơ và cũng nhờ có nguồn thu lớn, TKV đã trả hết khoản vay 600 triệu USD từ Nhật Bản.
Tuy nhiên hiện nay, tổng sản lượng alumin của TKV là 1,3 triệu tấn, trong khi nhu cầu của thế giới là 120 triệu tấn. Vì vậy, TKV đã có báo cáo gửi Bộ Công Thương về hiệu quả của 2 dự án để Bộ có báo cáo trình Chính phủ và Bộ Chính trị cho ý kiến về việc tiếp tục phát triển cụm công nghiệp bô-xít, trong đó mở rộng ra các tỉnh tiềm năng trong khu vực
Đầu năm 2019, Cục Công nghiệp đã hoàn thiện báo cáo Chính phủ, Bộ Chính trị về 2 dự án thí điểm cũng như định hướng phát triển ngành bô-xít; hoàn thiện báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Thông báo kết luận số 245-TB/TW ngày 24/4/2009 của Bộ Chính trị về quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô-xít giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025.
Cục Công nghiệp đã hoàn thành Dự thảo lần 1 và trình lãnh đạo Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ Báo cáo tổng kết đánh giá tổng thể hiệu quả kinh tế-xã hội 2 dự án bô - xít. Trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, đã hoàn thiện Dự thảo lần 2, trình Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương và hiện đang hoàn thiện theo ý kiến các thành viên Ban Cán sự đảng, xin ý kiến Bộ trưởng để trình Chính phủ, Bộ Chính trị.
Cục Công nghiệp đề nghị, cần sớm triển khai lập quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến bô-xít, trong đó khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước đầu tư các dự án mới tại Đăk Nông, Lâm Đồng và Bình Phước với mục tiêu đến năm 2030, tổng công suất sản xuất alumin đạt 12-15 triệu tấn/năm. Và căn cứ kết quả tổng kết Dự án Điện phân nhôm Trần Hồng Quân và giá điện năng tại thời điểm nghiên cứu, nghiên cứu đầu tư mở rộng ngành công nghiệp nhôm.
Theo Cục Công nghiệp, trước mắt cần cho phép TKV mở rộng 2 dự án thí điểm để tận dụng hạ tầng sẵn có. |