Quảng Ninh: Quyết tâm khôi phục, bảo vệ và phát triển rừng bền vững
Hối hả tận thu gỗ rừng gãy
Bão số 3 đã gây thiệt hại gần 120.000 ha rừng trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ninh. Thiệt hại này không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế mà còn tác động nghiêm trọng đến môi trường, nguồn nước và sinh kế của người dân, nhất là các doanh nghiệp trồng rừng và cộng đồng dân tộc thiểu số ở vùng cao, biên giới, hải đảo.
Người dân xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh tận thu gỗ rừng bị gãy đổ sau ảnh hưởng bão số 3 để chở đến điểm thu mua. Ảnh: Thu Anh |
Trong đó, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương bị thiệt hại nghiêm trọng với hơn 18.000 ha rừng trên địa bàn huyện, ước thiệt hại khoảng 550 tỷ đồng. Những ngày này, người dân đang hối hả tập trung tận thu gỗ rừng bị gãy đổ, dọn dẹp, vệ sinh rừng để tái trồng rừng.
Chị Hoàng Mai Dung, ở thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh gia đình có 6 ha rừng bị thiệt hại chia sẻ: Từ sau bão số 3, gia đình phải làm việc thông ngày đêm để tận thu những cây keo gẫy đổ vì không thể thuê được nhân công, bởi nhà ai cũng có rừng bị thiệt hại nên họ tập trung xử lý rừng của gia đình nhà mình trước. Mặt khác, cây keo gẫy rất khó bóc vỏ nên cũng không ai muốn nhận làm. Nếu thuê được người làm chi phí cũng cao hơn nhiều so với ngày thường, khoảng 350.000 đồng/người/ngày.
Chị Hoàng Mai Dung, ở thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh gia đình có 6 ha rừng bị thiệt hại đang cùng gia đình thu dọn, bóc vỏ cây keo để bán cho thương lái. Ảnh: Thu Anh |
Thời điểm này, người dân trồng rừng không chỉ “khát” người làm, nhân công cao, mà giá bán keo trên thị trường được các công ty, thương lái mua cũng giảm 1/3 so với trước. Chị Hoàng Mai Dung cho biết: Trước bão, keo trắng bán được với giá từ 1,5 - 1,6 triệu đồng/tấn, còn keo đen được khoảng 900.000 đồng/tấn. Sau bão, giá keo giảm, keo trắng chỉ bán được với giá khoảng 1 triệu đồng/tấn, keo đen được 750.000 đồng/tấn.
Tất bật vừa đi kiểm đếm rừng thiệt hại vừa động viên, hỗ trợ bà con vận chuyển những cây keo được tận thu về nơi tập kết chờ thương lái đến thu mua, anh Hoàng Văn Sơn, Trưởng thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ thông tin: Toàn xã Nam Sơn có 2.900 ha rừng trồng của 430 hộ dân trên địa bàn bị gãy đổ. Hiện, các hộ dân huy động tối đa người trong gia đình và thuê thêm nhân công để kịp thời tận thu gỗ rừng bị gẫy đổ, chủ yếu là gỗ keo. Ngoài cây keo bị gẫy, còn có nhiều cây sa mộc, bạch đàn,… bị bật gốc, đổ do bão.
Theo anh Hoàng Văn Sơn, trung bình mỗi ngày có khoảng 50 tấn gỗ được đưa đến điểm tập kết ở xã. Xã cũng tuyên truyền, vận động người dân khẩn trương khắc phục sau bão, tận thu gỗ rừng bị gẫy đổ và dọn rừng để giảm bớt thiệt hại về kinh tế, đồng thời phòng chống cháy rừng tại địa phương.
Người dân tỉnh Quảng Ninh hối hả tận thu gỗ rừng gẫy để giảm bớt thiệt hại cũng như bảo vệ, phòng chống cháy rừng. Ảnh: Thu Anh |
Không chỉ người dân trồng rừng trên địa bàn huyện Ba Chẽ, mà các huyện Vân Đồn, thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả… người dân cũng đang hối hả tập trung tận thu gỗ rừng bị gãy đổ, dọn dẹp, vệ sinh rừng để tái trồng rừng và phòng chống cháy rừng.
Tuy nhiên, điều mà người dân lo lắng về nguồn cung cây giống cũng không đủ phục vụ nhu cầu tái trồng rừng. Hiện nay, các vườn ươm phải thuê thêm nhân công, tăng thời gian làm việc để khẩn trương ươm số lượng lớn cây keo giống.
Bà Đinh Thị Quang, ở khu 2, thị trấn Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh - chủ vườn ươm giống cây keo đang chuẩn bị cây giống trồng khắc phục diện tích rừng của gia đình bị thiệt hại. Ảnh: Thu Anh |
Bà Đinh Thị Quang, ở khu 2, thị trấn Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh - chủ vườn ươm giống cây keo cho hay: Mặc dù gia đình đã thuê người và làm việc “hết công suất” tuy nhiên mới chỉ dự kiến đủ đáp ứng nhu cầu của chính gia đình mình và anh em họ hàng.
Đồng hành cùng người trồng rừng
Trước thiệt hại nặng nề của người trồng rừng sau bão, việc xây dựng cơ chế, chính sách để khôi phục sản xuất lâm nghiệp là một trong những vấn đề cấp thiết mà tỉnh Quảng Ninh đang quan tâm thực hiện.
Cụ thể, để khắc phục thiệt hại, hỗ trợ người dân sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh đã và đang triển khai một loạt các giải pháp cấp bách liên quan đến công tác thống kê, đánh giá, lập hồ sơ theo các cơ chế hỗ trợ của Trung ương và tỉnh.
Một điểm tập kết cây keo đã được bóc vỏ chờ thương lái đến thu mua tại xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Thu Anh |
Theo đó, để các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân được hưởng hỗ trợ tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 9/1/2017 và Quyết định 1568/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, Chi cục Kiểm lâm đã hướng dẫn các địa phương cách thống kê, đánh giá lại tất cả diện tích rừng bị thiệt hại trên 30% trở lên.
Đồng thời, dựa vào dự thảo Nghị định quy định về thanh lý rừng trồng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hướng dẫn các chủ rừng lập hồ sơ và xác định thiệt hại đối với diện tích rừng trồng từ nguồn ngân sách Nhà nước, rừng trồng thay thế. Như vậy, với rừng trồng của hộ gia đình, cá nhân bị thiệt hại trên 70%, sẽ được hỗ trợ 4 triệu đồng/ha; rừng bị thiệt hại từ 30 - 70%, sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha.
Đến nay, UBND các địa phương trong tỉnh đang tích cực tổ chức thực hiện công tác kiểm đếm, lập hồ sơ hỗ trợ. Dự kiến kinh phí hỗ trợ theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP là hơn 233 tỷ đồng.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh - Vũ Duy Văn, ngành nông nghiệp đã đề xuất với UBND tỉnh phương án tái thiết, phát triển lâm nghiệp. Trong đó, các địa phương lên phương án thực hiện kế hoạch trồng lại rừng bị thiệt hại, bảo đảm chậm nhất đến năm 2027 phải bảo đảm tỷ lệ che phủ rừng như trước khi xảy ra bão số 3. Đồng thời, đơn vị phối hợp với các cấp chỉ đạo, tạo điều kiện để doanh nghiệp thu mua, bao tiêu, tận thu hết tài nguyên lâm nghiệp cho người dân, nhất là hỗ trợ tối đa chính sách, thủ tục pháp lý để các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, lâm sản được thuận lợi nhất khi thông quan.
Ngày 1/10/2024, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Văn bản số 2832/UBND-KTTC về việc phát động đợt cao điểm hỗ trợ thu dọn, vệ sinh rừng, tận thu, tận dụng lâm sản trên diện tích rừng bị thiệt hại do bão số 3 gây ra. Theo kế hoạch, chiến dịch sẽ được hoàn thành trước ngày 31/10/2024. |