Thứ năm 16/05/2024 12:31

Phát triển huyện Ba Chẽ thành trung tâm kinh tế dược liệu tỉnh Quảng Ninh

Ba Chẽ đặt ra mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế dược liệu, trong đó, tập trung phát triển 3 loại cây chủ lực: Ba kích, trà hoa vàng và cát sâm.
Dược sĩ Lê Thị Bình - người gìn giữ tinh hoa y học cổ truyền Diễn đàn kinh tế dược liệu Việt Nam: Đưa tinh hoa dược liệu Việt lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng Kon Tum: Phát triển kinh tế dược liệu, cầu nối mang đến no ấm Kon Tum: Đổi thay ở Tu Mơ Rông

Dư địa phát triển còn rất lớn

Huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh có quỹ đất dồi dào, khí hậu nhiệt đới ẩm, mưa nhiều nên phù hợp với sự sinh trưởng của các loại cây dược liệu như: Ba kích tím, trà hoa vàng, nấm lim xanh, sâm cau đỏ, cát sâm, lan kim tuyến.

Tận dụng thế mạnh của địa phương, huyện Ba Chẽ đã tích cực phát triển kinh tế dược liệu để đảm bảo sinh kế, phát triển kinh tế địa phương. Theo đó, định hướng sẽ tập trung vào 3 loại dược liệu có giá trị cao là ba kích, trà hoa vàng, cát sâm…

Được biết, Công ty Cổ phần Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh (Công ty Đạp Thanh; thôn Bắc Xa, xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ) là một trong những doanh nghiệp đi tiên phong trong trồng và phân phối sản phẩm dược liệu trên địa bàn.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nịnh Văn Trắng, Giám đốc Công ty Đạp Thanh cho biết, hiện nay công ty đang trồng khoảng 5ha cây trà hoa vàng và diện tích lớn trồng cây ba kích. Bên cạnh đó, Công ty Đạp Thanh còn đứng ra bao tiêu sản phẩm dược liệu cho người dân địa phương.

Ông Trắng cho biết thêm, hiện có rất nhiều hộ đang tham gia trồng cây dược liệu. Theo đó, sản lượng cây dược liệu rất lớn nhưng đầu ra sản phẩm vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của người trồng. Bên cạnh đó, công tác truyền thông, quảng bá cho sản phẩm cũng chưa đạt được như kỳ vọng.

Phát triển huyện Ba Chẽ thành trung tâm dược liệu tỉnh Quảng Ninh
Trồng dược liệu tại huyện Ba Chẽ

Theo số liệu của báo cáo của UBND huyện Ba Chẽ, toàn huyện đã trồng được khoảng hơn 400 ha dược liệu gồm các cây chủ lực như ba kích tím (gần 126 ha), trà hoa vàng (hơn 230 ha), cát sâm (hơn 36 ha) và dược liệu khác (gần 8 ha).

Sản lượng khai thác các loài dược liệu nuôi trồng khoảng 60 tấn tươi/năm. Trong đó, trà hoa vàng (59,7 tấn), ba kích tím (0,3 tấn củ tươi).

Toàn huyện có 28 cơ sở chế biến dược liệu, công suất tiêu thụ sản phẩm mỗi năm đạt khoảng 230 tấn. Trong đó, có 3 cơ sở chế biến dược liệu với quy mô doanh nghiệp, hợp tác xã và 23 cơ sở chế biến quy mô hộ gia đình. Công suất tiêu thụ sản phẩm khoảng 230 tấn dược liệu, ước đạt khoảng 37 tỷ đồng.

Mặc dù sản lượng, công suất chế biến dược liệu khá lớn. Tuy nhiên, so với tiềm năng và thế mạnh của huyện Ba Chẽ thì con số trên vẫn còn khá khiêm tốn.

Hiện nay, toàn huyện Ba Chẽ mới có hơn 500 hộ trồng và sản xuất dược liệu, chỉ chiếm khoảng 10% số hộ dân trên địa bàn huyện. Do đó, dư địa phát triển dược liệu ở địa phương còn rất lớn.

Phấn đấu trở thành trung tâm dược liệu

Với định hướng trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh Quảng Ninh, huyện Ba Chẽ đã đề ra nhiều chính sách thúc đẩy sự phát triển. Theo đó, huyện Ba Chẽ triển khai nhiều chính sách khuyến khích đầu tư phát triển dược liệu, hỗ trợ về công nghệ, giống vốn, quy trình khoa học công nghệ, chuyển giao kỹ thuật. Hiện nay đã hình thành vùng sản xuất tập trung các loài dược liệu có giá trị kinh tế cao.

Phát triển huyện Ba Chẽ thành trung tâm dược liệu tỉnh Quảng Ninh
Trà hoa vàng là cây dược liệu quý của huyện Ba Chẽ

Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến hỗ trợ cho các nhà đầu tư, kết nối các dự án và các vùng trồng cũng được chú trọng. Ngay khi triển khai đề án OCOP, các hộ trồng trà hoa vàng đã chủ động liên kết với Công ty Cổ phần Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh và Hợp tác xã Dược liệu trà hoa vàng Ba Chẽ để xây dựng vùng trồng, chế biến, bao tiêu sản phẩm. Cùng với đó, việc đầu tư, xây dựng các nhà máy sản xuất thuốc, sản xuất thực phẩm chức năng từ dược liệu cũng được quan tâm.

Bà Thân Thị Thúy Hảo, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Chẽ cho biết, huyện Ba Chẽ đang phấn đấu đến năm 2025 sẽ trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh Quảng Ninh.

Theo bà Hảo, huyện Ba Chẽ định hướng phát triển 3 cây dược liệu chủ lực là ba kích, trà hoa vàng, cát sâm. Diện tích trồng 3 loại dược liệu này khoảng 281 ha.

Hiện tại đang đăng Ký trà hoa vàng đạt chất lượng 5 sao. Nếu được duyệt thì sẽ thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ, có thể vươn ra quốc tế.

"Trà hoa vàng, ba kích, cát sâm được kỳ vọng sẽ là những cây dược liệu chủ lực của huyện Ba Chẽ, góp phần tạo sinh kế cho người dân và phát triển kinh tế địa phương", bà Hảo nói.

Tính đến cuối năm 2023, diện tích trồng cây trà hoa vàng của huyện Ba Chẽ đã mở rộng đến 230 ha, sản lượng thu hoạch hoa trà tươi bình quân đạt 20 tấn/năm và lá trà tươi là 65 tấn/năm. Hàng năm, doanh thu từ cây trà hoa vàng mang lại cho người dân huyện Ba Chẽ hơn 20 tỷ đồng.

Tin khác

Phiên bản di động