Trong giai đoạn mới, chương trình sẽ triển khai các nhiệm vụ, dự án bám sát vào yêu cầu thực tiễn của ngành Công Thương và đất nước trong bối cảnh tham gia sâu vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Điểm đáng chú ý, chương trình này sẽ ưu tiên tập trung hỗ trợ các dự án ứng dụng công nghệ cao để từng bước hình thành, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao được lựa chọn gồm 5 lĩnh vực. Đầu tiên, công nghiệp năng lượng, sẽ phát triển các hệ thống phát điện dùng thủy triều, sóng biển, địa nhiệt; hệ thống tấm quang điện (PV) hiệu suất cao và thân thiện môi trường; hệ thống, thiết bị lưu giữ nhiên liệu khí mật độ năng lượng cao; hệ thống, thiết bị lưu trữ năng lượng tái tạo hiệu năng cao, dung lượng lớn. Đồng thời, phát triển, ứng dụng công nghệ mới, nâng cao hiệu quả vận hành lưới điện truyền tải, hình thành lưới điện truyền tải thông minh, mức độ tự động hóa cao; phát triển các công nghệ khoan thế hệ mới trong thăm dò dầu khí…
Nghiên cứu, phát triển và làm chủ công nghệ lõi |
Thứ hai, về công nghiệp sinh học, phát triển các hệ thống thiết bị, công nghệ thế hệ mới ứng dụng công nghệ sinh học trong chế biến và bảo quản thực phẩm quy mô công nghiệp; xây dựng, hình thành các sản phẩm cảm biến sinh học sử dụng trong các lĩnh vực công nghiệp môi trường, tương tác người và máy, điều khiển, quản lý các quá trình trong công nghệ sinh học; chip sinh học; số hóa công nghệ sinh học, thực phẩm...
Thứ ba, công nghiệp vật liệu mới và nano, phát triển các loại vật liệu mới có tính năng tiên tiến, thân thiện với môi trường sử dụng công nghệ cao được ưu tiên phát triển hoặc sản xuất ra các sản phẩm vật liệu được khuyến khích phát triển ứng dụng trong các lĩnh vực công nghiệp để thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp sản xuất khác…
Thứ tư, công nghiệp điện tử - công nghệ số, phát triển các hệ thống thiết bị, phần mềm, giải pháp, nền tảng, dịch vụ cho chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi số trong các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên; các hệ truyền động điện công nghiệp; các thiết bị điện tử công nghiệp, dân dụng tiên tiến; phát triển và triển khai các ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ số tiên tiến khác trong lĩnh vực thương mại điện tử…
Thứ năm, công nghiệp chế tạo và tự động hóa, tập trung phát triển các công nghệ chế tạo - tự động hóa tiên tiến, tích hợp với các công nghệ 4.0 như công nghệ in 3D, dữ liệu lớn, công nghệ mô phỏng thực tế - ảo... nhằm từng bước xây dựng công nghiệp chế tạo thông minh thành một ngành công nghiệp mũi nhọn.
Thực tế Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2013-2020 của Bộ Công Thương đã cho thấy hiệu quả kinh tế - xã hội lớn. Theo ông Trần Việt Hòa- Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (KH&CN)- Bộ Công Thương, các dự án thành công giúp doanh nghiệp (DN) tiếp cận, làm chủ các công nghệ tiên tiến nhất thế giới, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, làm lợi nhiều tỷ đồng...
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của chương trình trong giai đoạn mới, Bộ Công Thương sẽ tổ chức lồng ghép các nhiệm vụ phát triển công nghiệp công nghệ cao trong các chương trình KH&CN các cấp đã được giao. Đồng thời, tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ DN trong các ngành kinh tế trọng điểm để nghiên cứu, phát triển và làm chủ công nghệ lõi, công nghệ chủ chốt của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phù hợp với định hướng danh mục công nghệ được ưu tiên và sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.
Ông Trần Việt Hoà - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ: Với vai trò được Bộ Công Thương giao nhiệm vụ quản lý, tổ chức Vụ Khoa học và Công nghệ sẽ tạo điều kiện tối đa để các đơn vị đăng ký tham gia, hướng dẫn đơn vị thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy trình, thủ tục. |