Thứ ba 30/04/2024 06:27

Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm là xu thế tất yếu

Việc tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm có tính phát triển bền vững đã và đang trở thành xu thế tất yếu của kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Thanh Hóa "hút" đầu tư xây chuỗi giá trị da giày Bắc Ninh: Phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP bền vững

Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm

Hiện nay, cả nước có hơn 31.700 hợp tác xã, 158 liên hiệp hợp tác xã và 73 nghìn tổ hợp tác. Trong hơn 31.000 hợp tác xã, có hơn 20.000 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm trên 64% tổng số hợp tác xã cả nước. Trong gần 6 triệu thành viên hợp tác xã có trên 3,8 triệu là nông dân, chiếm trên 63% tổng số thành viên. Nhiều loại hình hợp tác xã liên kết trong sản xuất kinh doanh tạo nên chuỗi liên kết đa giá trị, bền vững.

Phát biểu Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia năm 2024 với chủ đề “Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm” do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ Tháng hành động vì hợp tác xã năm 2024, sáng 11/4, bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam nhấn mạnh, chuỗi giá trị có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với các hợp tác xã. Và ngược lại, kinh tế tập thể, hợp tác xã cũng là “hơi thở” của chuỗi giá trị đa dạng nhiều ngành hàng ở khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Câu chuyện sản xuất theo chuỗi giá trị không phải là yêu cầu mới. Với xu hướng phát triển kinh tế bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn như hiện nay, vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã là yếu tố không thể bỏ ngỏ trong việc tham gia tạo dựng các chuỗi giá trị có tính bền vững.

Không chỉ ở nông nghiệp, việc tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm có tính phát triển bền vững đã và đang trở thành xu thế tất yếu của kinh tế tập thể, hợp tác xã ở những lĩnh vực khác.

Kinh tế tập thể, hợp tác xã là “hơi thở” của chuỗi giá trị đa dạng nhiều ngành hàng
Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia năm 2024 với chủ đề “Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm” do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong liên kết chuỗi giá trị, hợp tác xã nông nghiệp vừa đóng vai trò thúc đẩy liên kết ngang giữa các hộ nông dân thông qua các hành động tập thể để tổ chức sản xuất, vừa thúc đẩy liên kết dọc với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

Thời gian qua, Chính phủ có nhiều chính sách khuyến khích hợp tác xã tham gia liên kết chuỗi giá trị. Như về ưu đãi tín dụng, hợp tác xã được vay tín dụng ưu đãi để sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết tối đa bằng 70% giá trị của dự án theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Tuy nhiên, ông Thịnh cho hay, thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp rất khó thực hiện liên kết do không tìm được hợp tác xã nông nghiệp đủ mạnh để có thể đứng ra làm đầu mối, nên doanh nghiệp phải hợp đồng trực tiếp với từng hộ nông dân, dẫn đến chi phí cao và dễ gặp rủi ro.

“Nhiều doanh nghiệp rất muốn tìm hợp tác xã nông nghiệp để liên kết nhưng gặp khó khăn vì không có hợp tác xã hoạt động có hiệu quả. Rõ ràng, phát triển hợp tác xã nông nghiệp không chỉ giúp cho hộ nông dân thành viên, mà còn thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị nông sản”, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn khẳng định.

Theo đó, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho rằng cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hợp tác xã; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã. Tạo điều kiện hình thành những mô hình liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân gắn với ứng dụng công nghệ cao.

Đặc biệt, cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hướng dẫn thực hiện cơ chế chính sách, nhất là tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc mà các hợp tác xã hiện đang gặp phải như: tiếp cận các nguồn tín dụng, hỗ trợ thủ tục xác nhận, miễn thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm trao đổi giữa các thành viên hợp tác xã với nhau.

Kinh nghiệm thực tiễn từ đất nước Hà Lan

Thực tế cho thấy, Hà Lan là nước có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển hợp tác xã, đồng thời tích cực thu hút thành viên tham gia. Tổ chức Hỗ trợ Phát triển Hà Lan (Agriterra) Việt Nam đã tích cực phối hợp với Liên minh hợp tác xã Việt Nam để chia sẻ những kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển hợp tác xã một cách bền vững tại Việt Nam.

Bà Lê Thị Thu Hiền, Giám đốc Agriterra Việt Nam, cho biết Hà Lan tự hào có nền nông nghiệp phát triển, với dân số 17 triệu người nhưng là nước xuất khẩu nông sản lớn nhất châu Âu và đứng thứ 2 trên thế giới. Năm 2022, tổng lượng xuất khẩu lương thực và thực phẩm của Hà Lan đạt 122,3 tỷ Euro; trong đó, sữa và trứng chiếm 11,9 tỷ Euro, rau củ quả chiếm 11,5 tỷ Euro, thịt là 11 tỷ Euro, chất béo tự nhiên và dầu, đồ uống cùng chiếm 8,1 tỷ Euro.

Hà Lan đã có 150 năm phát triển hợp tác xã, chiếm 86% phần trong nông nghiệp, hiện có nhiều hợp tác xã phát triển mạnh mẽ, có công ty nằm trong hợp tác xã.

Hiện nay, Agriterra Việt Nam đang hỗ trợ hơn 30 đối tác và dự án, hoạt động tại 16 tỉnh thành trên cả nước. Cùng với đó, tổ chức này đang hợp tác với Liên minh hợp tác xã Việt Nam và các tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tổ chức chuyên môn, các nền tảng, doanh nghiệp…

Kinh tế tập thể, hợp tác xã là “hơi thở” của chuỗi giá trị đa dạng nhiều ngành hàng
Theo nhiều doanh nghiệp, phát triển hợp tác xã nông nghiệp không chỉ giúp cho hộ nông dân thành viên, mà còn thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị nông sản.

Các chuỗi giá trị mà Agriterra Việt Nam đang hỗ trợ gồm: 2 hợp tác xã chè, 4 hợp tác xã cà phê, 2 hợp tác xã trồng trọt, 4 hợp tác xã thuỷ sản, 26 hợp tác xã lúa gạo.

Theo bà Hiền, bí quyết để các hợp tác xã tại Hà Lan thành công nhờ vào các yếu tố: Loại hình pháp nhân quyết định sự phát triển của hợp tác xã, nên cho phép nhiều loại hình pháp nhân khác nhau phù hợp với thị trường, đáp ứng nhu cầu phát triển của hợp tác xã, có nhiều hợp tác xã phát triển quy mô đa quốc gia như: FrieslandCampina là một hợp tác xã sữa đa quốc gia của Hà Lan.

Bên cạnh chiến lược duy trì chi phí thấp nhất có thể, các hợp tác xã đã phát triển 2 chiến lược khác để gia tăng thu nhập của thành viên.

Về đổi mới sáng tạo, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển thương hiệu sản phẩm của hợp tác xã, giúp tăng cường vị thế của hợp tác xã trong liên kết ngang (cạnh tranh với các công ty lương thực, thực phẩm khác) và liên kết dọc (với các nhà bán lẻ lớn như siêu thị).

Về chiến lược gia tăng giá trị, khi môi trường cạnh tranh thay đổi, và có sự dịch chuyển nhu cầu của người tiêu dùng về phía sản phẩm chất lượng cao, đa dạng và tiện dụng hơn. Tính đồng nhất trong các thành viên hợp tác xã, quy mô canh tác khá cao nên hạn chế sự mâu thuẫn lợi ích giữa các thành viên lớn và quá nhỏ. Mô hình liên đoàn và liên hiệp hợp tác xã phù hợp với yêu cầu thị trường, khi thị trường thay đổi, họ sẽ thay đổi và đánh giá lại.

Nội lực của các hợp tác xã ở Hà Lan có chiến lược dẫn dắt chi phí rất hiệu quả, dẫn đến việc sáp nhập hàng loạt các hợp tác xã cơ sở. Hiện nay, đối với các hợp tác xã bò sữa tại Hà Lan chỉ còn 5 hợp tác xã chiếm 86% thị phần sữa tại Hà Lan.

Theo bà Hiền, trong bối cảnh nông nghiệp hiện nay liên tục thay đổi, thị trường yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Liên kết mạnh mẽ hơn giữa doanh nghiệp và vùng nguyên liệu, giữa người sản xuất quy mô nhỏ với nhau.

Kinh tế tập thể, hợp tác xã là “hơi thở” của chuỗi giá trị đa dạng nhiều ngành hàng
Dây chuyền đóng gói rau tại Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ).

Bên cạnh đó, thay đổi về nhu cầu của khách hàng về loại sản phẩm, hình thức sản phẩm, chất lượng, độ an toàn, khẩu vị và sự tập trung vào sản phẩm bổ dưỡng/hữu cơ.

Vì vậy, các hợp tác xã chỉ tập trung vào sản xuất không còn khả thi, bởi trên thực tế, việc bán hàng theo cách tạo ra giá trị thặng dư nhỏ không còn là cách tiếp cận theo hướng lâu dài nữa.

Do đó, người nông dân cần tạo ra sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thị trường; quan hệ đối tác lâu dài mới tạo điều kiện lớn nhất cho việc tăng thu nhập của các bên.

Tin khác

Phiên bản di động