Rằm tháng Giêng: Giá thực phẩm ổn định, hoa tăng giá Thực phẩm chay sôi động ngày rằm tháng Giêng Rằm tháng Giêng, núi Bà Đen vượt lượng khách so với nhiều điểm đến tâm linh |
Đi lễ chùa Rằm tháng Giêng cầu một năm mới bình an, may mắn là nét đẹp văn hóa của người Việt. Cùng điểm qua những đền, chùa đi lễ Rằm tháng Giêng được nhiều người cho là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại Hà Nội.
Chùa Quán Sứ
(Địa chỉ: Số 73 Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Chùa Quán Sứ - Cổ tự linh thiêng bậc nhất Hà thành |
Chùa Quán Sứ là một trong những ngôi chùa linh thiêng nhất ở Hà Nội. Chùa Quán Sứ còn là trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của giáo hội.
Đặc biệt, đây là một trong rất ít ngôi chùa ở phía Bắc mà tên chùa cũng được viết bằng chữ Quốc ngữ. Không chỉ thế, điều độc đáo ở ngôi chùa linh thiêng này là tại gian Quan âm đang trưng bày pho tượng Hòa thượng Thích Thanh Tứ, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với kích cỡ như người thật.
Trong dịp năm mới, nhất là vào ngày Rằm tháng Giêng, rất đông người dân đến chùa Quán Sứ để đi lễ cầu mong gia đình gặp nhiều may mắn, bình an.
Chùa Phúc Khánh
(Địa chỉ: Số 382 phố Tây Sơn, phường Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội)
Ngôi chùa được xây từ thời Hậu Lê luôn đón hàng nghìn người dân, phật tử về cầu an, dâng sao giải hạn mỗi dịp đầu năm |
Chùa Phúc Khánh là một trong những ngôi chùa đông đúc nhất Hà Nội mỗi dịp Rằm tháng Giêng. Chùa còn có tên gọi khác là chùa Sở. Đây cũng là một trong những ngôi chùa lâu đời và linh thiêng bậc nhất tại Thủ đô.
Điện Phật trong chùa được bài trí tôn nghiêm và có 20 pho tượng có giá trị nghệ thuật cao. Chùa Phúc Khánh có 21 tấm bia đá, tấm cổ nhất là năm 1698; 3 đại hồng chung, chuông cổ nhất đúc năm 1796; 14 bộ bao lam (cửa võng) và các đồ thờ khác như bát hương đồng, long ngai, nhang án...
Chùa nổi tiếng linh thiêng nên hàng năm người dân tụ tập về đây lễ bái, lễ Phật, cầu bình an... rất đông.
Chùa Trấn Quốc
(Địa chỉ: Số 46 Thanh Niên, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội)
Trấn Quốc được xem là ngôi chùa lâu đời nhất ở Thăng Long - Hà Nội khi có lịch sử lên đến 1.500 năm tuổi |
Nằm trên gò đất ở phía đông quận Tây Hồ, chùa Trấn Quốc gây ấn tượng bởi lối kiến trúc cổ kính, độc đáo và cảnh quan của chùa. Xung quanh là làn nước xanh biếc, ngôi chùa Hà Nội này hiện lên với vẻ đẹp trang nghiêm, thanh nhã và tinh tế, tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình tuyệt đẹp.
Theo sử sách, ngôi chùa Hà Nội này được xây dựng từ thế kỷ VI dưới thời Tiền Lý với cái tên ban đầu là chùa Khai Quốc. Tên chùa Trấn Quốc ngày nay được đổi từ đời vua Lê Hy Tông với ý nghĩa là nơi đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Với tuổi đời lên đến 1.500 năm, chùa Trấn Quốc nổi tiếng là chốn cửa phật linh thiêng bậc nhất Hà Nội.
Chùa Hà
(Địa chỉ: Số 86 phố Chùa Hà, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội)
Tương truyền, chùa Hà rất linh ứng trong việc cầu duyên |
Chùa Hà (Thánh Đức Tự) thuộc làng Dịch Vọng (làng vòng) là một ngôi chùa thuộc khu phố cùng tên của Hà Nội. Chùa Hà thu hút đông đảo du khách đến tham quan, thắp hương, lễ Phật cầu mong một mối tình trọn vẹn, đặc biệt là vào ngày mùng một, ngày Rằm hay đầu năm mới.
Trong dân gian vẫn lưu giữ câu chuyện vua Lý Thánh Tông xây ngôi chùa này và đặt tên là chùa Thánh Đức để tỏ lòng biết ơn với các đại thần Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí, Đinh Liệt đã giúp đỡ mình lên ngôi vua.
Kiến trúc chùa Hà mang đậm nét thời đại với sự kết hợp tinh tế giữa nét đẹp cổ xưa và hiện đại cùng với kết cấu kiểu chữ Đinh gồm có Tiền đường, Thượng điện, Tam Bảo với năm gian.
Hàng năm, tại chùa Hà Nội này tổ chức không ít lễ hội như kỷ niệm ngày sinh của Thành hoàng Triệu Chí Thành, kỷ niệm ngày hóa của Thành hoàng… cùng với nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn như kéo co, đánh đu, đánh cờ người, hát cửa đình.
Phủ Tây Hồ
(Địa chỉ: Số 52 phố Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội)
Mọi người thường đến đây để cầu may mắn, bình an cho bản thân và gia đình |
Phủ Tây Hồ nằm trên bán đảo lớn giữa Hồ Tây, thờ công chúa Liễu Hạnh, một trong bốn vị thánh bất tử của tín ngưỡng Việt Nam.
Phủ Tây Hồ được coi là một trong những nơi linh thiêng để cầu tài lộc mỗi dịp đầu xuân năm mới. Ngay từ ngày mùng 1 Tết, người dân đã đổ về đây thắp hương cầu an. Đặc biệt, vào ngày Rằm tháng Giêng, rất đông người dân đến Phủ Tây Hồ để cầu sức khỏe, may mắn, bình an cho cả gia đình.
Chùa Vạn Niên
(Địa chỉ: Số 264 đường Lạc Long Quân, thôn Vệ Hồ, Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội)
Toàn bộ kiến trúc chùa Vạn Niên được làm từ gỗ |
Tương truyền, chùa Vạn Niên có gốc tích từ năm 1014 vào thời Lý Thuận Thiên, khi thiền sư Hữu Nhai Tăng xin nhà vua cho lập giới đàn ở chùa Vạn Niên để tập hợp tăng đồ thụ giới. Vua xuống chiếu ban xây dựng chùa, trở thành chốn tùng lâm thị giới cho các tăng đồ. Nơi đây cũng là nơi trụ trì của nhiều nhà sư danh tiếng kế tiếp nhau như nhà sư Lâm Tuệ Sinh, nhà sư Lý Thảo Đường.
Tính đến nay, ngôi chùa Vạn Niên đã trải qua quãng thời gian hơn 1.000 năm lịch sử với nhiều lần trùng tu tôn tạo. Tuy vậy, chùa vẫn giữ được nét đẹp cổ kính và độc đáo về văn hóa kiến trúc xen giữa lòng thủ đô hiện đại và phát triển.
Toàn bộ kiến trúc chùa Vạn Niên được làm từ gỗ. Những công trình được làm bằng gỗ đều được trang trí, trạm khắc hoa văn vô cùng tinh xảo đậm nét văn hóa phương Đông.
Ngoài giá trị về kiến trúc Phật Giáo, chùa còn lưu giữ các bộ sưu tập có giá trị văn hóa, lịch sử như đạo sắc phong thần thời Lê và Tây Sơn, chuông đồng có từ thời Nguyễn... Quả chuông đồng "Vạn Niên Tự Chung" được đúc dưới thời Vua Gia Long (1802 - 1820) có bài ký miêu tả chùa Vạn Niên là một danh lam cổ tự bề thế ở phía Tây kinh thành Thăng Long.
Chùa Kim Liên
(Địa chỉ: Phố Từ Hoa, làng Nghi Tàm, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội)
Chùa Kim Liên là một trong những di tích cổ đặc sắc nhất Việt Nam |
Chùa Kim Liên có từ thế kỷ XVII. Theo tấm bia hiện còn trong chùa soạn ra có nêu: Chùa vốn có tên là Đại Bi dựng vào năm 1631.
Trong chùa có một pho tượng quý khiến giới sử học hết sức quan tâm đó là pho tượng có hình dạng như một người trung niên, râu ba chòm, mình mặc áo cà sa, tay cầm hốt, đầu lại đội mũ dành cho vua quan. Có thuyết bảo đó là tượng chúa Trịnh. Nhưng cũng có người cho rằng đó là tượng của một vị hòa thượng coi giữ chùa, nguyên là nội thị trong phủ chúa Trịnh.
Ngoài pho tượng này (có cách đây hơn 200 năm), ở gian giữa chùa có bức hoành phi "Hoàng uẩn" (có nghĩa là: Đạo lý sâu sắc và rộng rãi) làm vào năm 1870. Còn hoành phi "Liên hoa hải hội" (có nghĩa là: Cảnh sum vầy vui đẹp nước Phật) thì mới được làm năm 1930.
Trong cuốn "Văn hóa Việt Nam tổng hợp 1989-1995" do Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương xuất bản đã đánh giá chùa Kim Liên là một trong 10 di tích kiến trúc cổ đặc sắc nhất Việt Nam.
Chùa Láng
(Địa chỉ: Số 112 phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội)
Chùa Láng - di tích lịch sử văn hóa |
Chùa Láng được xây dựng từ thời vua Lý Thần Tông (1128-1138) để thờ Từ Đạo Hạnh là một nhà tu hành đắc đạo, nổi tiếng thời Lý.
Chùa Láng xây dựng trên một khu đất rộng, có nhiều cây cổ thụ, từ xưa vẫn được coi là nơi đệ nhất tùng lâm của kinh đô Thăng Long. Từ thời Lý đến nay, chùa đã được nhiều lần sửa chữa, nhưng vẫn giữ được vẻ cổ kính.
Trong chùa có nhiều đồ thờ cổ, có nhiều tượng phật, có tượng Lý Thần Tông và đặc biệt là tượng Từ Đạo Hạnh không tạc bằng gỗ đá, mà đan bằng mây và quét sơn bên ngoài. Trước đây, trong chùa còn giữ được một cuốn sách kinh bằng đồng khắc chữ, tương truyền là của vua Lý Nhân Tông dùng tụng niệm khi sinh thời.
Chùa Tảo Sách
(Địa chỉ: Số 386, đường Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội)
Chùa Tảo Sách một mặt hướng ra hồ Tây quanh năm mênh mang sóng nước |
Chùa Tảo Sách, còn có tên chữ là Linh Sơn Tự ở thôn Nam, phường Nhật Tân (Số 386, đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội). Đây là một ngôi chùa có khuôn viên rộng lớn, cảnh quan đẹp đẽ, nước Hồ Tây vỗ ngay trước mặt tiền. Theo bi ký và câu đối ở đài kỷ niệm thì có thể chùa được dựng vào thời Tiền Lê.
Được đánh giá là một trong những chùa đẹp nhất Hà Nội với kiến trúc độc đáo và nằm kề hồ Tây lộng gió, chùa Tảo Sách được đông đảo cư dân và khách thập phương ghé thăm, nhất là vào Rằm tháng Giêng.
Chùa Tứ Kỳ
(Địa chỉ: Ngách 46/18 đường Ngọc Hồi, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội)
Chùa lưu giữ hơn 20 pho tượng chế tác từ thế kỷ XVII |
Chùa Tứ Kỳ không chỉ là một ngôi chùa Hà Nội nổi tiếng, mà nơi đây còn là nơi giao lưu, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng độc đáo. Chùa có thư viện với quy mô kinh sách, băng đĩa Phật giáo lớn nhất với 2.148 đầu sách và hơn 500 đầu băng đĩa. Nội dung bao gồm về Phật pháp căn bản, kinh tạng, luật, luận; tịnh độ tông, Thiền tông, Mật tông,...
Chùa Tứ Kỳ sở hữu khuôn viên rộng rãi với quy mô bề thế gồm nhiều công trình được thiết kế độc đáo nhưng vẫn mang đậm những nét kiến trúc xưa cũ theo lối phong cách Việt Nam cổ. Chùa được quy hoạch tập trung theo chiều sâu bao gồm: Cổng Tam quan, Tiền đường, Thượng điện, nhà bia, nhà dải vũ, tháp Phật và điện thờ Mẫu.
Đền Quán Thánh
(Địa chỉ: Số 190 phố Quán Thánh, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội)
Đền Quán Thánh là một trong bốn "Thăng Long Tứ Trấn" danh bất hư truyền |
Đền Quán Thánh là một trong những Thăng Long tứ trấn, biểu tượng cho đời sống văn hóa tâm linh xứ Kinh Kỳ. Tiếng chuông Trấn Vũ trong câu “Gió đưa cành trúc la đà. Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương” cũng chính là tiếng chuông vọng từ đền Quán Thánh, nằm cạnh bờ Hồ Tây yên bình.
Đền là di tích lịch sử và văn hóa được xây dựng vào thế kỷ thứ XI. Đền thờ thánh Trấn Vũ, là vị thần bảo vệ miền Bắc. Trải qua các triều đại, đền tu nhiều lần bổ, nhưng về cơ bản thì không bị thay đổi nhiều.
Nổi bật nhất trong đền Quán Thánh là pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ được đúc bằng đồng đen. Tượng có chiều cao gần 4m và nặng khoảng 4 tấn trên tảng đá cẩm thạch cao tới hơn 1m. Tượng có khuôn mặt vuông chữ điền uy nghiêm nhưng hiền hậu, ôn hòa với đôi mắt nhìn thẳng. Đây là một công trình nghệ thuật độc đáo thể hiện sự tài hoa trong kỹ thuật tạc tượng và đúc đồng của các nghệ nhân Việt Nam xưa.
Ngoài ra đền còn có hơn 60 bài thơ, câu đối và hoành phi viết bằng chữ Hán. Tác giả là những người đỗ đạt khoa bảng cao như: Bảng nhãn, Thám hoa…
Đền Quán Thánh là nơi linh thiêng, được nhiều người tìm đến lễ bái cầu may.