Thứ tư 15/05/2024 11:46

Làng Đông Cứu - Nơi thêu khăn chầu, áo ngự truyền thống

Làng Đông Cứu thuộc xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội là làng thêu truyền thống nổi tiếng với những bộ trang phục hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu.
Giữ lửa nghề truyền thống Làng nghề thủ công mỹ nghệ “bắt trend” bán hàng online

Dấu ấn làng nghề thêu khăn chầu - áo ngự truyền thống từ lâu đời

Đã từ rất lâu, làng Đông Cứu thuộc xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội là cái nôi của những bộ trang phục hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Làng nghề thêu Đông Cứu được khai sinh bởi ông tổ nghề thêu Lê Công Hành. Tương truyền rằng, tiến sĩ Lê Công Hành đã học được nghề thêu khi đi sứ phương Bắc rồi về truyền dạy cho người dân quê mình là làng Quất Động và các làng lân cận, trong đó có làng Đông Cứu.

Làng Đông Cứu - Nơi thêu khăn chầu, áo ngự truyền thống
Làng Đông Cứu thuộc xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội là làng thêu truyền thống nổi tiếng với những bộ trang phục hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu. (Ảnh Ngọc Anh)

Nghề thêu ở làng Đông Cứu có nguồn gốc bắt đầu từ nghề bắt nét kim tuyến, bên cạnh đó, thợ thêu ở đây từng được vua Nguyễn mời vào Huế lập thành một đội chuyên thêu các trang phục trong hoàng cung. Trải qua hàng trăm năm, qua nhiều đời vua, Đông Cứu là làng thêu duy nhất đất Bắc chuyên thêu long bào cho vua chúa, áo mão cho quan lại quý tộc trong triều. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của lịch sử, nghề thêu long bào dần phai nhạt, thay vào đó là các sản phẩm thêu phục vụ lễ hội, đặc biệt là trang phục hầu đồng.

Làng Đông Cứu - Nơi thêu khăn chầu, áo ngự truyền thống
Tiểu sử của ông tổ nghề thêu Lê Công Hành. (Ảnh Ngọc Anh)

Có những thời điểm, làng nghề truyền thống tưởng như bị thất truyền, nhưng nhờ có đôi tay khéo léo cùng tính công phu, thẩm mỹ cao của các sản phẩm đặc trưng, làng thêu Đông Cứu đã được phục hồi mạnh mẽ và được nhiều người biết đến.

Như bàn tay của người họa sĩ

Những nét tinh hoa của nghề thêu từ nhiều đời trước được áp dụng vào thêu các sản phẩm ở làng Đông Cứu một cách triệt để. Các công đoạn để thực hiện hoàn thiện thêu được một sản phẩm rất phức tạp. Người thợ ở làng Đông Cứu phải mất khoảng thời gian là 1 tháng để tạo nên bộ trang phục hoàn chỉnh có chi tiết không quá phức tạp.

Làng Đông Cứu - Nơi thêu khăn chầu, áo ngự truyền thống
Các thợ thêu đang miệt mài, tỉ mỉ trên từng đường kim, mũi chỉ để hoàn thiện sản phẩm. (Ảnh Ngọc Anh)

Công đoạn đầu tiên là thiết kế mẫu cho bộ trang phục của các vị thánh hoặc thánh mẫu. Người thợ thêu tại làng Đông Cứu được ví như một họa sĩ. Bởi lẽ khi thêu những bộ trang phục đúng tín ngưỡng, quy chuẩn dân gian thì bản thân người thêu phải am hiểu lịch sử và tín ngưỡng của hầu thánh đã có từ hàng ngàn năm nay.

Sau khi việc vẽ mẫu được hoàn thiện, người thợ thêu tiến hành in mẫu lên tấm vải một cách chi tiết, tỉ mỉ. Trong quá trình in họa tiết, người thợ vẫn phải vận dụng sự sáng tạo của mình để các hình khối được phối hợp một cách hài hòa nhất. Sau đó, tấm vải đã được in mẫu sẽ chuyển đến tay người thợ thêu để trang trí tạo ra hình dáng, thần thái của linh vật.

Làng Đông Cứu - Nơi thêu khăn chầu, áo ngự truyền thống

Để hoàn thiện thêu được một sản phẩm, người thợ phải mất khoảng 1 tháng để cho ra một bộ hoàn chỉnh có chi tiết không quá phức tạp. (Ảnh Ngọc Anh)

Theo quan niệm của người xưa có 36 giá đồng, tương ứng với 36 vị thánh bảo vệ, che chở cho người dân. Bởi vậy, 36 bộ trang phục khác nhau quy định cho từng giá đồng. Mỗi bộ trang phục đều mang những nét đặc trưng rất riêng nhưng phải tuân theo quy tắc về màu sắc cũng như phục sức đi kèm.

Một bộ trang phục hầu đồng luôn có 5 màu sắc cơ bản như xanh, đỏ, trắng, vàng, lam. Nhưng để tạo ra các màu sắc khác, các thợ thêu cần phải biết phương pháp nhuộm và phối màu một cách phù hợp nhất.

Làng Đông Cứu - Nơi thêu khăn chầu, áo ngự truyền thống
Một bộ trang phục hầu đồng bao giờ luôn có 5 màu sắc cơ bản như xanh, đỏ, trắng, vàng, lam. (Ảnh Ngọc Anh)

Với nhu cầu và sự phát triển của xã hội hiện nay, các sản phẩm của khăn chầu, áo ngự không còn đơn giản như những tấm vải mộc mạc, màu sắc cơ bản mà thay vào đó là các chất liệu có chất lượng cao hơn như gấm, vóc và màu sắc tươi tắn, lộng lẫy.

Làng Đông Cứu - Nơi thêu khăn chầu, áo ngự truyền thống
Các sản phẩm thêu tại làng Đông Cứu được sử dụng chất lượng vải có chất lượng cao như gấm, vóc với màu sắc tươi tắn, lộng lẫy. (Ảnh Ngọc Anh)

Không những thế, chỉ bằng những dụng cụ đơn giản như cây kim, sợi chỉ,… những tác phẩm với biểu tượng nghi lễ truyền thống trong đạo mẫu được ánh lên một cách sinh động, những linh vật được thêu như đang uyển chuyển trên gấm vóc lụa là.

Làng Đông Cứu - Nơi thêu khăn chầu, áo ngự truyền thống
Chỉ bằng những dụng cụ đơn giản để thực hiện thêu, những tác phẩm với biểu tượng nghi lễ truyền thống trong đạo mẫu hiện lên một cách rất sinh động. (Ảnh Ngọc Anh)

Nghề thêu may trang phục truyền thống của người làng Đông Cứu đã có thêm nhiều điều kiện phát triển khi nghề thêu Đông Cứu được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cùng với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Không những thế, đây còn là sự động viên, sự khích lệ tinh thần để người dân Đông Cứu tiếp tục giữ gìn và phát huy làng nghề cao quý mà cha ông để lại.

Làng Đông Cứu - Nơi thêu khăn chầu, áo ngự truyền thống
Nghề thêu Đông Cứu được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cùng với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. (Ảnh Ngọc Anh)

Trong thâm tâm mỗi người dân tại làng Đông Cứu, có lẽ nghề thêu khăn chầu, áo ngự truyền thống đã gắn bó với máu thịt của mỗi người. Dù ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, những bộ trang phục hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu sẽ mãi là niềm tự hào trong nét đẹp truyền thống văn hóa Việt Nam nói chung và của làng Đông Cứu nói riêng.

Tin khác

Phiên bản di động