Thứ hai 29/04/2024 05:46

Hợp tác xã làm du lịch ở xứ “đệ nhất danh trà”

Các hợp tác xã du lịch đã tạo sinh kế, giải quyết việc làm cho người dân, từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn.
Hoàn thiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước-Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới Ngân hàng Hợp tác xã góp phần phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và sức cạnh tranh của chè Thái Nguyên

Lợi thế về tiềm năng tự nhiên

Bên cạnh các loại hình du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái nghỉ dưỡng, trong những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên còn chú trọng phát triển du lịch cộng đồng trải nghiệm nông nghiệp gắn với sản phẩm và văn hóa trà. Đây là hướng đi mới của tỉnh Thái Nguyên, góp phần xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững.

Vùng chè của Thái Nguyên được nhiều du khách lựa chọn, tìm đến là: Vùng chè Vô Tranh, Tức Tranh (Phú Lương); Minh Lập, Văn Hán, Khe Mo (Đồng Hỷ); La Bằng, Hoàng Nông (Đại Từ). Đặc biệt, La Bằng, Hoàng Nông nổi lên khoảng 3-4 năm nay về trà ngon, các đồi chè đẹp và gắn với địa điểm du lịch Suối Kẹm (La Bằng), Cửa Tử (Hoàng Nông).

Nhưng chiếm số đông khách đến nhiều vẫn là vùng chè Tân Cương (TP. Thái Nguyên) vì có thương hiệu hàng chục năm qua, địa điểm lại gần với trung tâm thành phố. Đặc biệt, từ sau Festival Trà Thái Nguyên Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức vào năm 2011, các vùng chè của Thái Nguyên được "hâm nóng", trở thành địa điểm hấp dẫn mời gọi du khách đến chiêm ngưỡng, khám phá, thưởng ẩm.

Hợp tác xã làm du lịch ở xứ “đệ nhất danh trà”
Du khách tham quan tại vùng trồng chè của Hợp tác xã chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên (Ảnh: Quang Huy)

Đáng chú ý, quá trình phát triển du lịch nông nghiệp tại Thái Nguyên đang có sự hiện diện mang dấu ấn đậm nét của các hợp tác xã, với loạt mô hình tiêu biểu.

Theo thống kê, trên địa bàn Thái Nguyên hiện có khoảng 50 hợp tác xã chè. Tất cả các hợp tác xã chè đều có cửa hàng, gian trưng bày sản phẩm rộng rãi, khang trang, có thể tiếp đón đoàn khách trên 100 người đến tham quan, thưởng trà.

Riêng TP. Thái Nguyên đã có 10 hợp tác xã chè là thành viên Hiệp hội Du lịch tỉnh, có nhiều hoạt động tích cực góp phần quảng bá, thúc đẩy hoạt động du lịch Thái Nguyên.

Điển hình như Hợp tác xã chè Hảo Đạt, là hợp tác xã chè đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có sản phẩm chè đạt chuẩn OCOP 5 sao quốc gia. Thời gian qua, hợp tác xã đã đầu tư xây dựng không gian văn hóa trà gồm khu nhà gỗ dành cho du khách thưởng chè và trưng bày các sản phẩm chè; khu chế biến, sản xuất chè truyền thống.

Hàng ngày, hợp tác xã đều bố trí nhân viên pha trà để du khách thưởng thức, hướng dẫn du khách tham quan không gian văn hóa trà, trải nghiệm quá trình chăm sóc, thu hái, chế biến chè. Từ đầu năm 2023 đến nay, đã có trên 300 đoàn khách trong nước và quốc tế với trên 15.000 lượt khách tới tham quan, trải nghiệm.

Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, tận dụng tiềm năng lợi thế sẵn có, hợp tác xã mở rộng dịch vụ, đưa du lịch cộng đồng về vùng chè, vừa tạo ra sản phẩm du lịch khác biệt so với các địa phương khác, vừa nâng cao thu nhập với các hoạt động, sản phẩm từ chè góp phần làm phong phú cho du lịch, thu hút du khách, ngược lại du lịch góp phần quảng bá, đem thị trường, người tiêu dùng đến trực tiếp vùng sản xuất.

Ngoài Hợp tác xã chè Hảo Đạt, hoạt động du lịch tại vùng chè đặc sản Tân Cương còn được một số hợp tác xã đang tích cực xây dựng, đón du khách tham quan trải nghiệm như Hợp tác xã trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên; Hợp tác xã Tâm Trà Thái; Hợp tác xã chè trung du Tân Cương… Đặc biệt, các hợp tác xã đã liên kết, thành lập Liên hiệp hợp tác xã du lịch cộng đồng Tân Cương.

Hợp tác xã làm du lịch ở xứ “đệ nhất danh trà”
Đoàn khách từ Đức trải nghiệm các công đoạn chế biến chè ở Hợp tác xã Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên (Ảnh: Quang Huy)

Ông Bùi Trọng Đại, Giám đốc Hợp tác xã Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên cho biết, với kinh nghiệm sản xuất chè truyền thống lâu năm trên vùng đất Tân Cương, nhiều năm qua các sản phẩm chè chất lượng của hợp tác xã đã được khách hàng gần xa ưa chuộng. Hiện nay, hợp tác xã có hơn 10 sản phẩm từ bình dân đến cao cấp với giá bán dao động từ 300.000 nghìn đồng/kg đến 5 triệu đồng/kg, trung bình mỗi năm xuất bán ra thị trường từ 35 - 40 tấn chè búp khô các loại.

Nhận thấy xu hướng ngày càng có nhiều người dân muốn tìm đến những nơi yên bình để tận hưởng cuộc sống một cách thoải mái nhất, từ cách đây hơn 10 năm, Ban lãnh đạo hợp tác xã đã tiên phong hướng đi mới của vùng chè Tân Cương nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung, đó là mở ra dịch vụ homestay đón tiếp khách du lịch đến nghỉ dưỡng, trải nghiệm du lịch cộng đồng về văn hóa trà.

Tiếp sức người dân làm du lịch

Trên cơ sở những tiềm năng tự nhiên, các địa phương trong tỉnh Thái Nguyên đang tích cực đầu tư, khuyến khích phát triển các mô hình du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông nghiệp đang có sức lan tỏa, tạo được sự đồng thuận của người dân tham gia làm du lịch. Hoạt động du lịch bền vững đang từng bước được hình thành, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Ông Nguyễn Ngọc Tuân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên cho biết, trong vòng 5 năm trở lại đây, hoạt động du lịch Thái Nguyên đã có nhiều khởi sắc. Tỉnh đã xây dựng, phát triển được những sản phẩm du lịch đặc trưng dựa trên lợi thế nguồn tài nguyên văn hoá giá trị, từng bước phát huy được các tiềm năng thế mạnh về du lịch, tạo dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách, đồng thời đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phát triển sản phẩm du lịch gắn với văn hóa chè được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2025, xây dựng ít nhất 5 điểm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa chè, du lịch về nguồn.

Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã công nhận 6 điểm du lịch cộng đồng, trong đó có 2 điểm du lịch cộng đồng sinh thái gắn với văn hóa chè, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.

Hợp tác xã làm du lịch ở xứ “đệ nhất danh trà”
Nhiều mô hình sản xuất chè kết hợp du lịch được phát triển ở Thái Nguyên (Ảnh: Quốc Tùng)

Để hỗ trợ người dân, hợp tác xã làm du lịch cộng đồng, những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn về các nội dung như: Cách thức pha trà, mời trà, đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ tiếp đón du khách cho đại diện các hộ dân, hợp tác xã làm du lịch; kỹ năng tổ chức du lịch cộng đồng…

Đồng thời, các địa phương cũng đẩy mạnh hỗ trợ, vận động người dân, hợp tác xã chỉnh trang nương chè, nâng cấp nhà cửa sạch sẽ, tạo cảnh quan sạch đẹp để thu hút khách du lịch.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ thiết thực hơn, trong đó phát huy tốt vai trò cầu nối, dẫn dắt của các hợp tác xã trong phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm, tạo cơ chế hình thành chuỗi liên kết giữa hợp tác xã và doanh nghiệp lữ hành để thu hút nhiều du khách cả trong và ngoài nước, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.

Trao đổi với Báo Công Thương, ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên nhấn mạnh, tỉnh xác định phát triển du lịch cộng đồng gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, với định hướng phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp nông thôn bền vững.

Các hoạt động sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm đặc sản sẽ được chú trọng, nhằm tạo ra sản phẩm du lịch, phục vụ khách du lịch, từ đó du lịch sẽ kích cầu lại ngành nông nghiệp với việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập và sinh kế của người dân.

"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung phát triển các điểm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà, du lịch về nguồn. Thu hút, mời gọi các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp tham gia vào du lịch cộng đồng. Huy động cộng đồng tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương - nguồn tài nguyên trong phát triển du lịch cộng đồng", ông Hiệp cho hay.

Tin khác

Phiên bản di động