Hóa giải thách thức trong triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam
Sau hơn 18 năm “thai nghén”, mới đây Quốc hội đã bấm nút thông qua Nghị quyết đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với số vốn hơn 1,7 triệu tỷ đồng (tương đương 67,3 tỷ USD), mục tiêu phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2035. Việc hiện thực dự án là giấc mơ của nhiều thế hệ mà như Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh khẳng định, đây là một quyết định mang tính lịch sử.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng chiều dài khoảng 1.541km, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Thành phố Hà Nội) và điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh). Tuyến đường đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh.
Hệ thống đường sắt được thiết kế là tuyến đường đôi khổ 1.435mm, tốc độ tối đa 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục. Trên tuyến, sẽ có 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa. Đây là dự án đầu tư công lớn nhất trong lịch sử đất nước, có vai trò quan trọng, mang tính chiến lược dài hạn, tác động sâu, rộng tới mọi mặt của nền kinh tế - xã hội nước ta và có quy mô rất lớn, yêu cầu về công nghệ kỹ thuật phức tạp, lần đầu tiên được triển khai thực hiện ở Việt Nam. Song vấn đề đặt ra, để triển khai thành công siêu dự án này, đòi hỏi các cấp, các ngành phải có những giải pháp căn cơ để giải hàng loạt bài toán khó.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong kết nối các hành lang Đông - Tây. Ảnh minh hoạ |
Trước nhiều ý kiến cho rằng, trong tương lai, đường sắt cao tốc Bắc-Nam là "mạch máu" chính của nền kinh tế - xã hội, chứ không phải đường bộ cao tốc. Do đó, rất có thể, chi phí cho đường sắt phải đắt hơn gấp 3, gấp 4 lần so với đường bộ. Việc lựa chọn công nghệ cho dự án là đặc biệt quan trọng, dự án phải sử dụng công nghệ tiên tiến nhất, có thể nâng cấp dễ dàng để tránh tình trạng khi hoàn thành xong thì công nghệ đã lạc hậu.
Vậy, vấn đề đặt ra, làm thế nào để thu hút đầu tư? Thực tế cho thấy, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là dự án được triển khai lần đầu tiên tại Việt Nam, với quy mô lớn và yêu cầu kỹ thuật phức tạp. Điều này cũng đặt ra thách thức không nhỏ cho các nhà thầu Việt Nam. Bên cạnh đó, trong dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội yêu cầu các tổng thầu, nhà thầu khi tham gia dự án phải sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong nước sản xuất được, cung cấp được...
Nhìn từ góc độ chuyên môn, nhiều chuyên gia đã từng chỉ ra, các doanh nghiệp Việt Nam hiện đã có đủ tầm và lực để đáp ứng các dự án phức tạp như đường sắt tốc độ cao. Hiện nay, với khoảng 2.000 doanh nghiệp xây dựng trên cả nước, trong đó có nhiều doanh nghiệp có quy mô vốn chủ sở hữu trên 1.000 tỷ đồng, đều từng tham gia nhiều dự án xây dựng hạ tầng trọng điểm quốc gia, là bề dày kinh nghiệm đáng kể cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Như vậy có thể thấy, Việt Nam có nguồn lực lớn để triển khai dự án đường sắt tốc độ cao, song để thu hút nhà thầu, các chuyên gia chỉ ra, động lực quan trọng là Nhà nước cần phải có cơ chế đặc thù để giúp các nhà thầu Việt được “rộng cửa” tham gia dự án, đồng thời, bảo vệ những nhà thầu có năng lực thực hiện và đem lại lợi ích cho quốc gia. Cụ thể như cần xem xét, đưa ra cơ chế cộng điểm đối với các liên danh có tỷ lệ nhà thầu Việt Nam tham gia lớn nhằm nâng tính hấp dẫn của nhà thầu trong nước với nhà thầu nước ngoài. Đặc biệt, cần có cơ chế ưu đãi về lãi suất tín dụng.
Ngoài ra, đối với siêu dự án như đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, nhiều ý kiến cho rằng, việc chỉ định nhà thầu xây lắp là cần thiết để đảm bảo các yếu tố như năng lực thực hiện, tiềm lực tài chính và cam kết về bảo hành công trình. Trước những băn khoăn này, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) từng cho biết, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, VACC sẽ đề xuất cơ chế đặc thù với Thủ tướng Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền về năng lực kinh nghiệm, năng lực tài chính, áp dụng liên kết liên danh giữa nhà thầu Việt Nam với nhà thầu nước ngoài và giữa nhà thầu Việt Nam với nhà thầu trong nước.
Nhìn từ kinh nghiệm phát triển đường sắt tốc độ cao của một số quốc gia trên thế giới có thể thấy, các nước đã vận dụng tối ưu phương thức vận tải này trong giải bài toán hạ tầng giao thông. Đơn cử như Nhật Bản, hệ thông đường sắt đã giúp tối ưu hóa hiệu suất sử dụng đất, nâng cao tiện nghi và sự thuận lợi, giảm ùn tắc và lượng khí thải, tiết kiệm thời gian, đồng thời tăng đẩy giá trị bất động sản lên cao. Và theo đại diện Công ty TNHH Tokyo Metro Nhật Bản từng nhận định: "Dự án xây dựng phát triển đường sắt đô thị muốn thành công cần cân bằng giữa yếu tố lợi ích của các tổ chức và các bên liên quan, đồng thời các dự án cần có tính liên kết chặt chẽ".
Bên cạnh đó, kinh nghiệm từ Singapore - quốc gia đến từ châu Á có hệ thống đường sắt đô thị hiện đại và an toàn bậc nhất thế giới cũng cho thấy, đất nước này chú trọng vào việc thu hút đầu tư tư nhân, áp dụng công nghệ thông tin và tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân. Đồng thời, hiện Singapore đang triển khai xây dựng và quy hoạch hệ thống giao thông công cộng, nhằm tối đa hiệu quả kết hợp sử dụng các phương tiện công cộng như xe buýt, tàu cao tốc và tàu điện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội mạnh mẽ.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là bước đột phá lớn không chỉ với hệ thống giao thông quốc gia, mở ra không gian phát triển mới, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, mà còn là bước tiến quan trọng, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam sánh vai với các nước phát triển trên thế giới. Đặc biệt, đây cũng là cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập quốc tế, tạo động lực để Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Trước sự cần thiết đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam khi hệ thống hạ tầng giao thông trong nước đã "quá chật", việc thực hiện thành công dự án sẽ có vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông. Do đó, giải pháp quan trọng hơn hết đặt ra là cần một bài toán tổng thể với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các đoàn thể, cơ quan ban ngành... trong việc tính toán kỹ lưỡng tất cả các yếu tố và rủi ro để có giải pháp khả thi, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.