Thứ tư 15/05/2024 22:59

Hà Nội: Phát triển làng nghề truyền thống trong bối cảnh hội nhập

Việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa của làng nghề truyền thống là hướng đi quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Tăng cường kết nối, thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics Hà Nội Bản sắc Hà Nội sẽ đưa du lịch "cất cánh"

Đóng góp lớn từ những làng nghề

Hà Nội từ lâu được biết đến là nơi hội tụ tinh hoa làng nghề Việt Nam. Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Hà Nội là nơi tập trung số lượng làng nghề lớn nhất trong cả nước. Toàn thành phố có hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước.

Hà Nội: Phát triển làng nghề truyền thống trong bối cảnh hội nhập

Làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ ứng dụng công nghệ vào sản xuất

Thành phố hiện có 322 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 23 quận, huyện, thị xã. Trong đó, có 274 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề; 48 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống với 6/7 nhóm nghề: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; xử lý chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn…

Ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, bảo tồn và phát triển làng nghề đóng vai trò quan trọng trong sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn phát triển toàn diện, bền vững; đồng thời, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Đặc biệt, ở nhiều địa phương có làng nghề đã tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm. Trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 - 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 - 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương.

Theo ông Chí, thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề cao hơn nhiều so với lao động thuần nông, với mức thu nhập bình quân phổ biến ở mức 4 - 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Hà Nội: Phát triển làng nghề truyền thống trong bối cảnh hội nhập
Làng hoa giấy Phù Đổng là làng duy nhất trên địa bàn Thủ đô có nghề trồng loại hoa này

Đặc biệt gần đây các làng nghề trồng hoa, cây cảnh phát triển rất mạnh như: Làng nghề trồng hoa Giấy xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm), thu nhập bình quân lao động đạt 26 triệu/người/tháng; hay làng nghề hoa mai trắng thôn An Hòa (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì) cho thu nhập bình quân 17 triệu đồng/người/tháng…

"Sự phát triển làng nghề đã tạo nhiều cơ hội việc làm cho người trong độ tuổi lao động, người khuyết tật... Làng nghề phát triển giúp tăng thu nhập cho người dân, rút ngắn khoảng cách về thu nhập cho người nghèo ở nông thôn. Hơn nữa, sự phát triển của làng nghề còn tạo điều kiện kết nối cộng đồng, phát triển giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, lưu giữ tinh hoa nghệ thuật từ đời này sang đời khác", ông Nguyễn Văn Chí cho hay.

Đẩy mạnh phát triển làng nghề gắn với du lịch

Những năm qua, bên cạnh những loại hình du lịch vốn là thế mạnh của Hà Nội như du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái... du lịch làng nghề cũng trở thành một hướng đi triển vọng để thu hút du khách.

Để phát triển bền vững, Hà Nội đã có nhiều chính sách nhằm thúc đẩy làng nghề phát triển gắn với du lịch.

Trong số tất cả các làng nghề tại Hà Nội, nhiều làng nghề nổi tiếng thu hút sự quan tâm của khách du lịch như: Lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), thêu Quất Động, sơn mài Hạ Thái, lược sừng Thụy Ứng (huyện Thường Tín), khảm trai Chuôn Ngọ (huyện Phú Xuyên)…

Lấy ví dụ từ làng gốm Bát Tràng, có thể thấy, nhờ sự khai thác khéo léo tiềm năng du lịch, nơi đây nhanh chóng trở thành điểm đến khám phá, trải nghiệm lý tưởng đối với du khách trong nước và bạn bè quốc tế.

Làng nghề Bát Tràng hiện vẫn giữ được những nét truyền thống vốn có của một nghề làm đẹp từ đất. Cả xã Bát Tràng có tới hơn 200 doanh nghiệp, hơn 1.000 gia đình sản xuất, kinh doanh gốm sứ, trong đó, có 140 nghệ nhân và hàng ngàn thợ giỏi. Nghề gốm đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động trong và ngoài địa phương.

Tại Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt bố trí không gian nghề gốm Bát Tràng xưa và nay. Đây là nơi hội tụ giá trị truyền thống của Bát Tràng 1.000 năm qua. Mỗi một gia đình, mỗi một nghệ nhân sẽ lựa chọn những sản phẩm, những hiện vật có câu chuyện, có ý nghĩa và có thể đối với họ là rất quý để giới thiệu tại Trung tâm nhằm cùng giao lưu cũng như trở thành mái nhà chung.

Hà Nội: Phát triển làng nghề truyền thống trong bối cảnh hội nhập
Du khách tham quan sản phẩm gốm trưng bày Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt

Tương tự, tại làng lụa Vạn Phúc cũng đã xuất hiện các khu sản xuất mở để du khách vào xem thực tế quá trình làm lụa thay vì chỉ sản xuất trong mỗi gia đình và đưa sản phẩm ra thị trường qua nhiều khâu trung gian như trước đây. Du khách được nhìn tận mắt, tận nơi, thấy được sự vất vả của người làm nghề làm lụa truyền thống…

Đặc biệt để khẳng định bản sắc riêng, phát triển du lịch bền vững, địa phương quản lý như phường Vạn Phúc và Ủy ban nhân dân quận Hà Đông đã xây dựng các tuyến phố lụa kết hợp với các ngành nghề phụ trợ để phục vụ khách du lịch như: Khu phố ẩm thực, phố sinh vật cảnh, trung tâm giao lưu văn hóa đồ cổ, phát triển loại hình lưu trú, mua sắm…

Ngoài ra, ở đây đã thành lập Hợp tác xã Vụn Art, mang lại thu nhập cho người khuyết tật bằng việc sử dụng các vải lụa vụn để ghép tranh lụa xuất khẩu ra nước ngoài.

Hà Nội: Phát triển làng nghề truyền thống trong bối cảnh hội nhập
Làng lụa Vạn Phúc - Hà Đông là một trong những làng nghề dệt lụa nổi tiếng bậc nhất Việt Nam

Bên cạnh đó, Hà Nội còn nhiều làng nghề lâu đời khác như mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), thêu Quất Động (huyện Thường Tín), tò he Xuân La, khảm trai Chuôn Ngọ (huyện Phú Xuyên), phường rối Chàng Sơn (huyện Thạch Thất)... đều là những nơi có tiềm năng lớn trong việc phát triển trở thành điểm du lịch, có thể gắn kết với các sản phẩm du lịch khác để phát triển bền vững.

Chia sẻ với Báo Công Thương, PGS.TS Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Ở Hà Nội, làng nghề nằm dọc các trục giao thông và gắn liền với những di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội. Đây là điều kiện thuận lợi để thành phố Hà Nội phát triển du lịch làng nghề. Sản phẩm của các làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội đa dạng, nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, như sản phẩm may mặc, gốm sứ, dệt và thêu ren, đồ gỗ, cơ khí và chế biến nông sản thực phẩm…

"Việc khai thác di sản, làng nghề, văn hóa, lợi thế về nông nghiệp tại Hà Nội để phát triển du lịch đã được ngành du lịch, ngành nông nghiệp và các địa phương quan tâm. Việc biến di sản, văn hóa, sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp thành tài sản, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn phục vụ nhu cầu của đông đảo các du khách trong nước và quốc tế bước đầu đã có những chuyển biến", PGS.TS Phạm Hồng Long cho hay.

Quảng bá, giới thiệu làng nghề Hà Nội

Để góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng có nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường cho sản phẩm, thành phố Hà Nội thường xuyên tổ chức các sự kiện, tuần hàng, hội thi, lễ hội, tham gia hội chợ trong nước và quốc tế để tôn vinh sản phẩm làng nghề; tạo sân chơi, khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi giao lưu học hỏi trao đổi kinh nghiệm để gìn giữ bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của làng nghề; phát huy ý tưởng mới để tạo nên sản phẩm phù hợp thị hiếu đương đại...

Hà Nội: Phát triển làng nghề truyền thống trong bối cảnh hội nhập
Sản phẩm làng nghề truyền thống được giới thiệu tại Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội. Ảnh: Thanh Tùng

Bên cạnh đó, các Sở, ngành, thành phố thường xuyên chỉ đạo các doanh nghiệp lữ hành đẩy mạnh việc xây dựng các chương trình, tour du lịch nhằm giới thiệu, quảng bá về các tiềm năng, thế mạnh của du lịch làng nghề truyền thống của Hà Nội; Triển khai các chương trình hợp tác phát triển du lịch với các huyện, thị xã thuộc thành phố và các địa phương trong cả nước để cùng phối hợp nâng cao chất lượng, kết nối các điểm đến, dịch vụ tạo ra các sản phẩm tour du lịch chất lượng…

Mới đây, vào tháng 10/2023, đã diễn ra Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội năm 2023 nhằm thúc đẩy, hỗ trợ các nghệ nhân, làng nghề trong việc sản xuất các sản phẩm quà tặng phục vụ khách du lịch, đồng thời kết nối làng nghề, đơn vị sản xuất quà tặng với các đơn vị lữ hành, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch để gia tăng mức tiêu thụ sản phẩm quà tặng góp phần phát triển kinh tế du lịch.

Hà Nội: Phát triển làng nghề truyền thống trong bối cảnh hội nhập
Bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội

Bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, với mong muốn du lịch Hà Nội cũng như các địa phương trong cả nước cùng bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề, đưa những sản phẩm thủ công truyền thống trở thành sản phẩm quà tặng mang giá trị nghệ thuật, có câu chuyện và ý nghĩa riêng đến với du khách, ngành du lịch Thủ đô xây dựng lễ hội thành sự kiện thường niên, tổ chức nhiều hoạt động đưa sản phẩm làng nghề đến với du khách.

Bên cạnh tổ chức các lễ hội để quảng bá sản phẩm thì việc kể câu chuyện văn hóa làng nghề cho du khách cũng là cách làm hay, sáng tạo. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) cũng đã tổ chức Lễ hội Du lịch Hà Nội 2023 với chủ đề "Kết nối di sản phát triển du lịch", các địa phương, đơn vị tham gia đã chào hàng nhiều tour mới, trong đó ấn tượng là tour Hoàng thành Thăng Long - Bát Tràng.

Sau khi tham quan Hoàng Thành Thăng Long, tìm hiểu các cổ vật nghìn năm, du khách được lên xe buýt hai tầng, đi qua nhiều con phố nổi tiếng của Hà Nội tham quan tìm hiểu về đình Bát Tràng, chợ gốm Bát Tràng, Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt.

Theo Phó Giám đốc HPA Nguyễn Thị Mai Anh, việc kết nối giữa Hoàng Thành Thăng Long và các làng nghề là điều nhiều nhà khoa học đề xuất từ lâu và nay chính thức được hiện thực hóa.

"Đây cũng là cách chúng ta kể câu chuyện làng nghề, câu chuyện văn hóa cho các du khách, để mỗi du khách khi đến với Hà Nội càng thêm yêu hơn và muốn quay lại nhiều hơn…", bà Mai Anh chia sẻ.

Tin khác

Phiên bản di động