Hà Nội: Lao động tham gia bảo hiểm tăng mạnh
Đối tượng tham gia BHYT được mở rộng và tăng với tốc độ rất nhanh |
Thống kê của BHXH Hà Nội cho biết, sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính, số lao động tham gia BHXH trên địa bàn đã tăng gần gấp 1,73 lần, bình quân mỗi năm số lao động tham gia BHXH bắt buộc mới tăng 65.540 người. Đối tượng tham gia BHYT cũng được mở rộng và tăng với tốc độ rất nhanh, gấp 2,2 lần so với năm 2008, chiếm 86,1% dân số thủ đô. Riêng đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình tăng rất nhanh từ năm 2016, đã có 1.072.521 người tham gia, tăng 942.987 người so với năm 2008.
Trong 10 năm qua, BHXH Hà Nội cũng đã chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng trên 187 nghìn tỷ đồng đảm bảo kịp thời, đầy đủ, an toàn, đúng quy định với 2 hình thức chi trả qua hệ thống bưu điện và tài khoản ATM; tổng chi phí khám, chữa bệnh BHYT đã thanh toán là 27.934,8 tỷ đồng. Đồng thời, tích cực phối hợp với các ngành thực hiện gần 1.000 đợt thanh tra, kiểm tra, thu 3.675,1 tỷ đồng, khởi kiện ra tòa 1.127 đơn vị nợ tiền BHXH với số tiền thu được là 91,2 tỷ đồng.
BHXH Hà Nội luôn chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên tất cả các hoạt động nghiệp vụ; lấy cải cách thủ tục hành chính làm khâu đột phá nâng cao hiệu quả công tác, chất lượng phục vụ các đối tượng tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT. Theo đó, từ năm 2011, BHXH Hà Nội đã triển khai quy trình “Một cửa”, “Một cửa liên thông”, đến năm 2015 tiếp tục triển khai giao dịch hồ sơ điện tử, tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính viễn thông.
Ông Nguyễn Đức Hòa - Giám đốc BHXH Hà Nội - cho biết: Đến thời điểm này, BHXH Hà Nội đã xây dựng hoàn thiện 13 quy trình thủ tục giao dịch hồ sơ điện tử về lĩnh vực thu, cấp sổ, thẻ với 58.592 đơn vị sử dụng, chiếm 92,3%; có 90% hồ sơ được trả kết quả thông qua hệ thống bưu chính. “Kết quả bước đầu về cải cách thủ tục hành chính đã nhận được sự hài lòng, đồng thuận từ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT” - ông Hòa nhìn nhận.
Tuy nhiên theo ông Hòa, đối tượng tham gia BHXH, BHYT bắt buộc còn thấp so với thực tế trên địa bàn. Vẫn còn tình trạng doanh nghiệp chậm, nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, khiến tỷ lệ nợ của Hà Nội cao hơn mức trung bình cả nước. Mặt khác, tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT còn diễn biến phức tạp.
Nhằm phát huy kết quả đạt được sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính, cũng như vượt qua những thách thức hiện nay, BHXH Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện về cải cách chính sách BHXH; đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về BHXH, BHYT; tăng cường đối thoại với các doanh nghiệp và người lao động, nhất là các doanh nghiệp chưa tham gia; tích cực phối hợp với sở, ngành liên quan thực hiện tốt quy chế phối hợp liên ngành, nhất là trong công tác thanh tra, kiểm tra thu nợ để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
7 tháng năm 2018, ngành BHXH Hà Nội đã khai thác, phát triển được 9.621 đơn vị với 29.241 người tham gia BHXH, BHYT, tăng 3.257 đơn vị so với cùng kỳ năm 2017. |