Thứ sáu 27/12/2024 19:09

Hà Nội đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

TP. Hà Nội luôn đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn.

Theo đó, TP. Hà Nội đã luôn đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn, công nghệ cũng như kết nối trực tiếp và trực tuyến với đối tác, khách hàng trong và ngoài nước, giúp doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Công nghiệp hỗ trợ thiếu nguồn lực để đổi mới

Hiện trên địa bàn TP. Hà Nội có khoảng gần 1.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, với trên 320 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới.

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, ngành công nghiệp hỗ trợ Thủ đô vẫn bộc lộ nhiều tồn tại. Cụ thể, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ vẫn còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Hiện nay tỷ lệ nội địa hóa ngành ô tô đạt khoảng 5 - 20%; điện tử 5 - 10%; da giầy, dệt may 30%; cơ khí chế tạo tỷ lệ nội địa hóa đạt khoảng 15-20%.

Giới thiệu Tổ hợp Techno-Park Việt Nam - Nhật Bản tại Khu Công nghiệp Nam Hà Nội

Tỷ lệ nội địa hóa thấp nên khối lượng linh phụ kiện nhập khẩu hàng năm về Việt Nam lắp ráp, chế tạo, sản xuất để xuất khẩu lên đến hàng chục tỷ USD. Riêng sản phẩm linh kiện nhập khẩu thuộc ngành điện tử và ô tô vào khoảng 35 - 50 tỷ USD.

Hơn nữa, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn thiếu nguồn lực để đổi mới. Năng lực cung cấp linh kiện và phụ tùng có hàm lượng công nghệ cao, kỹ thuật phức tạp chưa đáp ứng các yêu cầu để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Theo ước tính của Tổng Cục Thống kê, trên 30% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của cả nước nói chung hiện vẫn đang sử dụng hoàn toàn thiết bị điều khiển thủ công, trên 50% có sử dụng thiết bị bán tự động, chỉ hơn 10% doanh nghiệp có sử dụng thiết bị tự động hoá và chưa đến 10% doanh nghiệp có sử dụng robot trong dây chuyền sản xuất.

Xét theo chuỗi giá trị, chỉ có khoảng 19% doanh nghiệp dệt may, da giày và 33% doanh nghiệp điện tử có thực hiện công đoạn thiết kế trong quá trình sản xuất. Khoảng 20% doanh nghiệp có chứng nhận ISO 9000 (quản lý chất lượng), 9% doanh nghiệp có chứng nhận ISO 14000 (quản lý môi trường), hơn 20% doanh nghiệp có thực hiện 5S tại doanh nghiệp. Số doanh nghiệp áp dụng các công cụ như Lean, 6 sigma, TQM, TPM chỉ khoảng từ 1-2%.

Bên cạnh đó, theo Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA), việc đầu tư, xây dựng, phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Hà Nội lại càng khó khăn do chi phí thuê mặt bằng sản xuất, nhân công và một số dịch vụ khác tăng cao.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân cho biết, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vẫn cần được cải thiện; doanh nghiệp vừa và nhỏ thường thiếu vốn, công nghệ và kinh nghiệm trong xúc tiến thương mại. Đây sẽ là những vấn đề then chốt cần được giải quyết để các doanh nghiệp có thể phát triển bền vững trong ngành công nghiệp hỗ trợ.

Ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội. Ảnh: Phương Thúy

Dù đã có hệ thống chính sách ưu đãi tương đối hoàn thiện nhưng dường như các doanh nghiệp còn chưa tiếp cận được do các chính sách này còn có nhiều vướng mắc trong khâu thực hiện. Một số quy định ưu đãi còn chung chung khiến các địa phương lúng túng trong triển khai đến các doanh nghiệp.

Cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ tại địa phương chưa được hoàn thiện, nhất là các chính sách tín dụng…Quy mô các doanh nghiệp còn nhỏ, công nghệ chưa tiên tiến, khả năng nghiên cứu thiết kế phát triển sản phẩm còn hạn chế…

Cam kết hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ

Trước thực tế này, Hà Nội đã và đang thể hiện cam kết trong việc hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ trì lập kế hoạch triển khai để tối ưu hóa các nguồn lực, hỗ trợ thị trường và kết nối doanh nghiệp. Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (HANSIBA) cũng đã phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội để chia sẻ thông tin, động viên doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động kết nối giao thương, tham gia sâu vào chuỗi toàn cầu như chuỗi các hội chợ và triển lãm.

Những hỗ trợ này đã giúp tạo nên môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc tổ chức hội nghị, hội thảo để nâng cao nhận thức và phổ biến thông tin cho doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Các doanh nghiệp trong hiệp hội đã duy trì hoạt động sản xuất, đóng góp vào bức tranh tăng trưởng kinh tế của đất nước. Việt Nam đang dần khẳng định vị thế là điểm sáng thu hút đầu tư trong khu vực, bất chấp những thách thức chung từ nền kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (HANSIBA) cũng nỗ lực kết nối với các tổ chức kinh tế từ nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu để hình thành các tổ hợp sản xuất. Các doanh nghiệp tập trung hợp tác với doanh nghiệp FDI, giúp tạo ra những tổ hợp sản xuất hiệu quả. Đơn cử như Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hansip) đang thu hút nhiều doanh nghiệp lớn, điển hình như Công ty TNHH Inventec Appliances (Đài Loan - Trung Quốc) với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 125 triệu USD, đi vào hoạt động từ quý IV/2024.

Theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội, với định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đưa Hà Nội trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, công nghiệp xanh, thành phố đã chỉ đạo Sở Công Thương cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan, các hội, hiệp hội… triển khai nhiều giải pháp thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Trong thời gian tới, Hà Nội tập trung liên kết phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ dựa trên nhu cầu và lợi thế, bao gồm 03 lĩnh vực chủ chốt: sản xuất linh kiện phụ tùng, công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may - da giày; đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo chuỗi giá trị toàn cầu; đẩy mạnh liên kết cung ứng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Hà Nội đã hình thành khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội do Công ty CP đầu tư và phát triển N&G là chủ đầu tư với quy mô 559 ha, trong đó giai đoạn 1 là 72 ha được quy hoạch để phát triển các ngành công nghiệp thuộc lĩnh vực cơ khí, chế tạo, dệt may – da giày, điện tử - tin học, chế tạo và lắp ráp ô tô, công nghiệp hỗ trợ phục vụ công nghệ cao… đã có 05 dự án đầu tư.

Năm 2024, thành phố đã thu hút đoàn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thuộc mạng lưới hàng không vùng Kobe – Nhật bản chuyên sản xuất linh kiện công nghệ cao ngành hàng không vũ trụ, máy móc thiết bị ngành cơ khí chính xác vào đầu tư, hình thành Tổ hợp Techno Park Việt Nam – Nhật Bản tại khu công nghiệp. Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp ngành ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố tổ chức buổi làm việc, triển khai thỏa thuận hợp tác giữa đoàn 10 doanh nghiệp hệ thống ngành hàng không vùng Kobe – Nhật Bản, bao gồm các doanh nghiệp chuyên sản xuất linh kiện công nghệ cao ngành hàng không vũ trụ, gia công máy móc, thiết bị cơ khí chính xác, thiết bị điện, sản xuất hỗn hợp carbon, đúc, gia công và Hiệp hội công nghiệp kim loại và máy móc thành phố Kobe với Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội và Tập đoàn N&G nhằm thiết lập mối quan hệ, thúc đẩy các dự án hợp tác đầu tư, sản xuất và hình thành tổ hợp Techno Park Việt Nam – Nhật Bản về lĩnh vực hàng không, vũ trụ tại khu công nghiệp Hanssip Hà Nội và chuỗi các khu công nghiệp Hanssip tại Việt Nam.

Sự ra đời của Tổ hợp Techno Park Việt Nam - Nhật Bản tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội là cơ hội để các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam liên kết sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, thế hệ mới, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Đây là hoạt động tích cực, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của thành phố, là cơ sở để thúc đẩy phát triển cụm liên kết các ngành công nghiệp hỗ trợ thuộc lĩnh vực hàng không. Hiệp hội các ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố và Tập đoàn N&G đang tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vùng Kobe khảo sát, tìm hiểu việc thuê đất xây dựng nhà máy, thuê nhà xưởng mở rộng sản xuất để triển khai thủ tục, thực hiện các hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh, sớm hình thành Tổ hợp Techno Park Việt Nam - Nhật Bản theo quy định tại Khu công nghiệp Hanssip Hà Nội.

Hà Nội cũng tiếp tục đẩy mạnh sự liên kết cung ứng, xuất khẩu, đặc biệt trong một số lĩnh vực công nghiệp có nhu cầu cao về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, đã phát triển trong vùng như: sản xuất ô tô, xe máy (Hà Nội - Vĩnh Phúc - Bắc Giang); sản phẩm cơ khí chế tạo (Hà Nội - Vĩnh Phúc - Thái Nguyên); điện tử văn phòng, gia dụng (Hà Nội - Bắc Ninh - Vĩnh Phúc)… Cụ thể, chuỗi cung ứng xe máy cho Yamaha Việt Nam tại Hà Nội, cho Honda Việt Nam và Piagio Việt Nam tại Vĩnh Phúc phát triển mạnh nhất tại Hà Nội, với sự tham gia của các doanh nghiệp vào tất cả các lớp cung ứng và lĩnh vực sản phẩm đa dạng như cơ khí, nhựa, điện, khuôn mẫu, tự động hóa…

Đối với công nghiệp ô tô, hiện có các công ty Việt Nam đáp ứng linh kiện cho Toyota và Honda, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội đã là những công ty hàng đầu ở Việt Nam cung cấp linh kiện ô tô, chủ yếu trong lĩnh vực cơ khí và nhựa như Công ty CP dụng cụ cơ khí xuất khẩu EMTC (cung cấp bộ dụng cụ theo xe và linh kiện dập), Công ty Nhựa Hà Nội (cung cấp linh kiện nhựa cho nội thất xe), Công ty LeGroup (cung cấp linh kiện dập), Công ty HTMP (cung cấp khuôn và linh kiện nhựa), Công ty cơ khí Đông Anh (cung cấp linh kiện dập). Các công ty này cũng đã xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Mỹ, châu Âu.

Trong thời gian tới, UBND Thành phố sẽ tiếp tục chỉ đao Sở Công Thương tham mưu Thành phố, Bộ Công Thương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tham gia chuỗi liên kết phát triển các hành lang công nghiệp Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Bắc Ninh – Hải Dương – Quảng Ninh, Hà Nội – Vĩnh Yên – Việt Trì, Hà Nội - Lạng Sơn và vành đai Kinh tế ven biển Quảng Ninh – Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình và Trục quốc lộ 10. Hình thành các khu công nghiệp – đô thị gắn với phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp, khu thương mại – dịch vụ, tăng cường liên kết và các cụm liên kết ngành và khu công nghiệp chuyên biệt theo tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị…

PV
Bài viết cùng chủ đề: Công nghiệp hỗ trợ

Tin cùng chuyên mục

Thương mại điện tử: Khẳng định vai trò tiên phong trong nền kinh tế số

Đà Nẵng: Ứng dụng thương mại điện tử, hướng đi mới cho tiểu thương chợ truyền thống

Thương mại điện tử: Đường dài không mấy dễ đi

Gia Lai: Ngành Công Thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại gắn với chuyển đổi số

Bộ Công Thương tích cực đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

Gia Lai: Tăng cơ hội tiếp cận thương mại điện tử cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thương mại điện tử: 'Cuộc đua' tiếp tục sôi động

Nước mắm Ngọc Lan: Thương hiệu vươn xa nhờ thương mại điện tử

Hỗ trợ doanh nghiệp Hải Phòng tham gia vào các nền tảng xuất nhập khẩu trực tuyến

Người tiêu dùng Việt vào top 11 thế giới về mua hàng online

TET to the TOP 2025: Khai phá tiềm năng kinh doanh từ TikTok

Cá khoai rim Đầm Sen 'chiếm sóng' thị trường trong nước nhờ thương mại điện tử

80% người tiêu dùng trực tuyến đánh giá thương mại điện tử gây ra tác động xấu tới môi trường

Xây dựng thương hiệu cho nông sản - cách làm mới trong thương mại điện tử

Thương mại điện tử - đưa nông sản của doanh nghiệp nhỏ vào sân chơi lớn

Thị trường thương mại điện tử B2C Việt Nam tăng khoảng 20%

Thảo dược Việt Nam - trà xạ đen ‘lan toả’ trên sàn thương mại điện tử

Các sàn thương mại điện tử lớn đang nộp bao nhiêu tiền thuế?

Sàn thương mại điện tử Temu dừng hoạt động để hoàn tất thủ tục đăng ký với Bộ Công Thương

Online Friday 2024 ghi nhận sự 'bùng nổ' các đơn hàng Việt