Giá gạo Việt ngược chiều tăng, tiếp tục thiết lập đỉnh mới ở mức 653 USD/tấn
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp đà tăng mạnh tại cả thị trường xuất khẩu và trong nước trong tuần này.
Theo đó, trên thị trường xuất khẩu, dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, trong phiên giao dịch ngày 1/11, giá gạo loại 5% tấm của Việt Nam đã tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm 10 USD/tấn, lên mức 653 USD/tấn; gạo 25% cũng được điều chỉnh tăng 10 USD/tấn, lên 638 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất của gạo Việt Nam kể từ khi cơn sốt gạo diễn ra vào cuối tháng 7 vừa qua và cũng là mức giá cao nhất trong vòng hơn 10 năm trở lại đây.
Trong khi giá gạo của Việt Nam tăng mạnh thì các nguồn cung khác là Thái Lan và Pakistan ghi nhận giảm. Trong đó, gạo Thái Lan giảm từ 1-3 USD/tấn cho cả 2 chủng loại 5% và 25% tấm. Giá sau điều chỉnh gạo 5% tấm của nước này hiện ở mức 561 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 521 USD/tấn.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh, tác động lớn tới thị trường nội địa |
Gạo của Pakistan vẫn giữ nguyên mức giá so với phiên giao dịch ngày 30/10 là 563 USD/tấn với gạo 5% tấm và 488 USD/tấn với gạo 25% tấm, song gạo 100% tấm lại quay đầu giảm mạnh 15 USD/tấn, xuống còn 458 USD/tấn.
Với mức giá hiện nay, gạo loại 5% tấm của Việt Nam đang tiếp tục kéo dài khoảng cách với gạo cùng chủng loại của Thái Lan 92 USD/tấn và Pakistan 90 USD/tấn. Đây cũng là mức chênh lệch lớn nhất giữa gạo Việt Nam với Thái Lan trong vòng nhiều năm trở lại đây.
Việc giá gạo xuất khẩu tăng đã góp phần kéo giá lúa gạo tại nội địa nóng hơn. Ghi nhận tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giá các loại lúa như Đài Thơm 8, OM 5451, IR 504… hiện đã xấp xỉ 9.000 đồng/kg.
Tương tự, giá gạo nguyên liệu các loại cũng đang ở mức cao so với thời điểm cuối tháng 7/2023. Trong đó, gạo loại 5% tấm hiện ở mức 15.343 đồng/kg, tăng trên 3.000 đồng/kg so với hồi tháng 7/2023 và gạo loại 25% tấm hiện có giá 14.725 đồng/kg, tăng 2.967 đồng/kg.
Có thể thấy, kể từ tháng 10 tới nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục ngược chiều tăng so với các đối thủ. Đặc biệt, việc giá gạo xuất khẩu cũng như nội địa tăng là một tín hiệu đáng mừng cho ngành lúa gạo Việt bởi sau nhiều năm xuất khẩu thì đây là năm đầu tiên gạo Việt có mức giá cao cũng như vị thế làm chủ về giá như hiện nay.
Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui tăng giá, theo chia sẻ của các doanh nghiệp xuất khẩu, họ đang gặp khó khăn trong việc thu mua gạo vì giá gạo trong nước đang cao và lượng hàng trong kho không nhiều. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn không dám ký hợp đồng mới vì lo sợ giá gạo còn tăng, dẫn đến thua lỗ.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại dịch vụ Phước Thành 4- cho hay, lúc này không có doanh nghiệp nào dám bán gạo bởi muốn bán phải có tồn kho, trong khi đó nguồn cung gạo thời điểm này đã cạn và phải chờ tới vụ Thu Đông mới có. "Với diễn biến này chắc chắn giá gạo Việt Nam sẽ khó giảm, ngược lại có thể sẽ tăng thêm”, ông Thành nói.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo trong tháng 10/2023 của Việt Nam đạt 700.000 tấn, tương ứng 433 triệu USD, tương đương về lượng nhưng tăng 27% về giá trị so cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 10 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7,1 triệu tấn gạo, tương ứng gần 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng, tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, 10 tháng của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt mức cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm. Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 7,8 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt khoảng 4,2-4,5 tỷ USD. |