Chủ nhật 28/04/2024 15:04

Gạo nếp Cay Nọi: Xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm

Có nguồn tiêu thụ ổn định và ngày càng rộng mở, nhưng sản phẩm OCOP 3 sao gạo nếp Cay Nọi huyện Mường Lát cung ứng ra thị trường với sản lượng còn khiêm tốn.
Cần xây dựng những thương hiệu mạnh cho gạo Việt Nam Xây dựng thương hiệu gạo Việt: Cần song hành 3 trục

Lúa nếp Cay Nọi được người dân xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa trồng từ nhiều đời nay. Nhờ chất đất, khí hậu cùng kinh nghiệm chăm sóc của bà con, lúa có vị thơm đặc trưng, hạt căng tròn, trắng mẩy, thơm dẻo. Sản phẩm thường được dùng để đồ xôi, nấu chè, làm bánh...

Gạo nếp Cay Nọi: Xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm
Dự án Xây dựng mô hình phát triển sản xuất sản phẩm OCOP lúa nếp Cay Nọi tại bản Pùng, xã Quang Chiểu do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Lát triển khai thực hiện

Giống lúa nếp Cay Nọi có nguồn gốc từ Lào, được du nhập vào huyện Mường Lát từ những thập niên 80 của thế kỷ trước. Thời ấy, nhiều hộ gia đình nơi đây còn thiếu ăn khi mùa giáp hạt đến, bởi vậy đã được nhân dân nước bạn Lào hỗ trợ lúa giống. Từ đó, Cay Nọi được gìn giữ và phát triển trên vùng đất Quang Chiểu như một loại nếp quý do phù hợp khí hậu và thổ nhưỡng.

Năm 2021, sản phẩm lúa nếp Cay Nọi đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao đầu tiêu của huyện Mường Lát. Đây là lợi thế để Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân xã Quang Chiểu phát huy thế mạnh trong xây dựng nông thôn mới.

Đến năm 2022, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Lát đã phối hợp với Hợp tác xã nông lâm Chung Thành triển khai mô hình phát triển sản xuất sản phẩm OCOP lúa nếp Cay Nọi tại bản Pùng trên diện tích 50 ha, với hơn 200 hộ dân bản địa tham gia.

Đánh giá về mô hình sản xuất lúa nếp Cay Nọi, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Lát cho biết, đây là mô hình đã tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của huyện, mở ra hướng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Mô hình cũng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Theo tính toán, với giá bán tương đối ổn định trong thời gian qua, người trồng lúa có thể thu lợi nhuận từ 3 đến 3,5 triệu đồng/sào/vụ, tương đương 70 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn hẳn các loại cây trồng bản địa. Cộng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, đến năm 2023, huyện Mường Lát đã chỉ đạo mở rộng diện tích lúa nếp Cay Nọi ra toàn bộ diện tích đất trồng lúa nước của các xã Quang Chiểu, Mường Chanh và thị trấn Mường Lát (chủ yếu ở địa bàn xã Tén Tằn cũ) với trên 600 ha. Do sản xuất tập trung, người dân được tập huấn, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nên năng suất và sản lượng lúa đã được nâng cao đáng kể. Tính toán sơ bộ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Lát, sản lượng lúa nếp Cay Nọi trên địa bàn huyện trong năm 2023 đạt gần 3.000 tấn, tương đương gần 2.000 tấn gạo.

Gạo nếp Cay Nọi: Xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm
Gạo nếp Cay Nọi của Hợp tác xã Nông lâm Chung Thành

Tuy nhiên, theo bà Lương Thị Nồng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông lâm Chung Thành - chủ thể sản phẩm OCOP gạo nếp Cay Nọi huyện Mường Lát: "Trong năm 2023, hợp tác xã chỉ thu mua, cung ứng ra thị trường các tỉnh: Hòa Bình, Ninh Bình, TP. Thanh Hóa, cùng một số huyện trong tỉnh hơn 300 tấn gạo nếp Cay Nọi. Điều này đồng nghĩa, số lúa nếp Cay Nọi chưa được thu mua làm sản phẩm OCOP trong dân vẫn còn nhiều".

Lý giải về điều này, ông Trần Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Lát, cho biết: "Hiện tại, Hợp tác xã Nông lâm Chung Thành mới chỉ liên kết, bao tiêu sản phẩm cho khoảng 150 ha trong tổng số hơn 600 ha lúa nếp Cay Nọi trên địa bàn. Trong khi giống lúa này hiện có tới hơn 30 dòng khác nhau, nên chất lượng gạo là không đồng đều. Chưa kể, giống lúa yêu cầu khá cao về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, thời vụ trồng và không phải nơi nào trên địa bàn huyện trồng giống lúa này cũng cho năng suất, chất lượng cao như khu vực 3 xã nêu trên. Cùng một giống lúa, ở cùng một địa phương, nhưng ruộng có độ dốc khác nhau, chất lượng gạo cũng khác nhau".

Trên thực tế, người dân không bán được lúa Cay Nọi cho Hợp tác xã Nông lâm Chung Thành làm sản phẩm OCOP với giá cao thì vẫn bán được cho đại lý hoặc thương lái thu mua mà vẫn có lãi cao hơn nhiều so với trồng loại cây khác. Bà Lương Thị Nồng khẳng định: "Thị trường của sản phẩm OCOP gạo nếp Cay Nọi huyện Mường Lát rất rộng mở. Sản lượng cung ứng ra vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường".

Trao đổi về hướng đi trong thời gian tới, ông Trần Văn Thắng cho biết thêm: "Huyện đã chỉ đạo Hợp tác xã Nông lâm Chung Thành mở rộng diện tích liên kết để tiêu thụ sản phẩm OCOP gạo nếp Cay Nọi. Đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn hợp tác xã này hoàn thiện thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định nâng hạng sản phẩm OCOP này.

Bên cạnh đó, huyện tiếp tục chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan ở trung ương để tiến hành phục tráng, lựa chọn nguồn giống có chất lượng cao nhất để đưa vào gieo trồng. Thông qua đó, nhằm tiếp tục cải thiện và nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện.

Tin khác

Phiên bản di động