Đủ điện cho phục hồi kinh tế năm 2022
Tại Diễn đàn Năng lượng cho hồi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19 diễn ra mới đây, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) - cho hay, trong 2 năm qua, tốc độ tăng trưởng năng lượng ở mức thấp hơn nhiều so với các năm kinh tế phát triển bình thường. Năm 2022, tùy theo diễn biến phục hồi, nhu cầu tiêu thụ điện có thể sẽ tăng mạnh. Do đó cần phải có sự chuẩn bị, kế hoạch cung ứng điện, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng sau đại dịch.
EVN sẽ thực hiện nhiều giải pháp bổ sung nguồn cung điện |
Phó Tổng giám đốc EVN ông Võ Quang Lâm cho biết, trên cơ sở tính toán, EVN đã xây dựng 2 kịch bản báo cáo Bộ Công Thương, trong đó, kịch bản cơ sở, tăng trưởng điện 8,2% tương đương sản lượng điện toàn quốc đạt 275,5 tỷ kWh; kịch bản cao tăng trưởng 12,4%, tương đương sản lượng điện đạt 286,1 tỷ kWh.
"Về cơ bản năm 2022, hệ thống điện quốc gia có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, cục bộ tại miền Bắc có thể tiềm ẩn rủi ro thiếu hụt công suất khoảng 1.500 - 2.400 MW trong một số giờ cao điểm các ngày nắng nóng cực đoan" - ông Võ Quang Lâm cho hay.
Để đảm bảo điện, EVN sẽ thực hiện nhiều giải pháp bổ sung nguồn cung như tăng nhập khẩu điện từ Lào, nghiên cứu hệ thống lưu trữ điện tại miền Bắc nhằm bổ sung nguồn phủ đỉnh; sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước cấp cho vụ Đông Xuân; tăng cường năng lực hệ thống truyền tải; điều chỉnh thuỷ điện nhỏ, chuyển dịch phát điện từ trưa sang các khung giờ khác; tăng cường tuyên truyền tiết kiệm điện…
Khuyến khích tiết kiệm năng lượng
Theo ông Trịnh Quốc Vũ, cùng với những giải pháp về đảm bảo nguồn điện, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đóng vai trò quan trọng. Hiện nay, khung pháp lý về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đã khá đầy đủ và công tác tiết kiệm năng lượng cũng đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, thời gian tới, cần phải lồng ghép mục tiêu tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế. "Đặc biệt, cần lồng ghép mục tiêu tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong kế hoạch chiến lược đổi mới công nghệ, kỹ thuật quốc gia. Không nhập khẩu những công nghệ, thiết bị lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, tiêu thụ điện cao vào Việt Nam..." - ông Trịnh Quốc Vũ nhấn mạnh.
Ông Võ Quang Lâm cho biết, Việt Nam hiện có hơn 2.900 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, tiêu thụ điện chiếm tới 33% tổng lượng điện tiêu thụ toàn quốc. Nếu các cơ sở này tiết kiệm tối thiểu 2% điện tiêu thụ/năm thì mỗi năm, cả nước tiết kiệm được 1,4 tỷ kWh, tương đương 2.700 tỷ đồng. Đối với khách hàng sinh hoạt, tiêu thụ hơn 30% tổng điện năng tiêu thụ toàn quốc. Nếu tiết kiệm 1% điện, cả nước sẽ tiết kiệm 630 triệu kWh, tương đương hơn 1.170 tỷ đồng.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, Chính phủ cần ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia, đẩy mạnh tuyên truyền đi kèm các chế tài mạnh mẽ để xử lý các tổ chức, cá nhân không thực hành tốt trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
EVN đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng điện báo cáo Bộ Công Thương, trong đó kịch bản cơ sở, tăng trưởng 8,2%, tương đương sản lượng 275,5 tỷ kWh; kịch bản cao tăng trưởng 12,4%, tương đương sản lượng 286,1 tỷ kWh. |