Dự báo Việt Nam xếp thứ II về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2016
Việt Nam được dự báo tăng trưởng GDP cao thứ 2 thế giới. Ảnh: Kinh doanh & Pháp luật |
Cuộc phỏng vấn với các nhà kinh tế đã diễn ra từ tháng 10-12/2015 nhằm mục đích quy tụ các dự báo về triển vọng tăng trưởng của 93 quốc gia trong tầm ngắm của Blooberg.
Các nước với triển vọng tăng trưởng GDP cao nhất trong năm 2016 và chắc chắn 100% không rơi vào trì trệ là Ấn Độ với tỷ lệ tăng trưởng là 7,4%, xếp thứ 2 là Việt Nam và Bangladesh với 6,6%. Người khổng lồ châu Á - Trung Quốc xếp thứ IV với 6,5%, tiếp đến là Sri Lanka với 6,4%, Kenia và Panama (6,1%), Philippines (6%), Uganda (5,6%) và xếp thứ X là Cộng hòa Dominic với 5,4%. Như vậy trong số 10 nền kinh tế có triển vọng tăng trưởng cao nhất trong năm nay châu Á chiếm 6, phần còn lại chia đều cho châu Phi, Mỹ Latinh và Caribe.
Nhận xét về châu Á, các nhà kinh tế cho biết, giảm phát vẫn tiếp tục diễn ra tại Nhật Bản, và tăng trưởng của quốc gia này dự báo sẽ chỉ cán mốc 1% trong năm nay, thấp hơn so với mức tăng trưởng chung của các nước láng giềng.
Đề cập đến châu Âu, báo cáo của Bloomberg cho biết, Hy Lạp vẫn tiếp tục bám trụ trong khu vực đồng tiền chung châu Âu và tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ EBC để củng cố khu vực ngân hàng, tuy nhiên năm 2016, quốc gia này vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức, GDP dự kiến sẽ giảm 1,8%.
Các nước được dự báo có tỷ lệ suy thoái cao trong năm nay là Venezuela và Brazil với mức 3,3% và 2,5% tương ứng. Kinh tế Liên bang Nga vẫn tiếp tục suy thoái ở mức 0,5%.
Tại Mỹ Latinh, sự quan tâm của các nhà kinh tế đang dồn về Argentina, nơi tân Tổng thống Mauricio Macri đang từng bước mở cửa nền kinh tế cho các doanh nghiệp và luồng vốn đầu tư nước ngoài, nếu thành công sẽ có thể thổi một luồng gió mới cho nền kinh tế rệu rã của quốc gia xuyên Andes này. Các nhà kinh tế kỳ vọng tân Tổng thống sẽ là cứu cánh để vực dậy và làm lành mạnh nền tài chính quốc gia, giúp Argentina tiếp cận trở lại với các tổ chức tài chính quốc tế sau các đợt vỡ nợ trong các năm qua. Tuy nhiên, nền kinh tế của xứ sở tăng gô vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Dự kiến GDP năm 2016 sẽ tiếp tục trì trệ.
Trong lúc đó, tình hình Venezuela vẫn tiếp tục khó khăn, khan hiếm về hàng hóa cơ bản cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân vẫn tiếp tục căng thẳng và giá dầu tiếp tục lao dốc đã làm kiệt quệ quốc gia dầu mỏ Nam Mỹ này. Năm nay là năm thứ 3 liên tiếp dưới sự điều hành của Tổng thống Nicolas Maduro kinh tế tăng trưởng âm.
Tình hình tại Brasil cũng đáng quan ngại, năm ngoái GDP giảm 3,62% và triển vọng của năm nay tiếp tục tăng trưởng âm ở mức 2,5%. Đây là thời kỳ suy thoái cao nhất của người khổng lồ Mỹ Latinh kể từ năm 1901.
Liên quan đến Chile, Bloomberg cho biết, GDP của quốc gia Andes này dự báo sẽ tăng 2,3% trong năm 2016 và triển vọng suy thoái rơi vào ngưỡng thấp 5%. Chile là nước xếp thứ 56 về tăng trưởng theo dự báo của các nhà kinh tế trong số 93 nền kinh tế của thế giới được Bloomberg xếp hạng về tăng trưởng.