Doanh nghiệp, doanh nhân Việt: Hành trình lan toả tâm thế Việt- Bài 2: Vì một Việt Nam hùng cường
Tiếp nối truyền thống tốt đẹp ấy, trong 2 cuộc kháng chiến và đến tận bây giờ, các thế hệ doanh nhân Công Thương nói chung và doanh nhân Việt nói chung, dù làm trong các doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân vẫn tiếp tục đóng góp cho đất nước bằng những việc làm thiết thực: Quản lý, điều hành doanh nghiệp của mình, đóng góp nguồn thu cho ngân sách, tạo công ăn việc làm cho người lao động; tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội.
Đặc biệt, trong 2 năm đại dịch vừa qua, tầng lớp doanh nhân Việt Nam, mặc dù cũng gặp khó nhưng họ gác việc riêng, tiếp tục cống hiến phụng sự xã hội hết mình; sẵn sàng sẻ chia trách nhiệm, chung vai đồng lòng cùng đất nước trên mọi mặt trận từ đóng góp cho quỹ vaccine, hỗ trợ tuyến đầu phòng chống dịch cho đến hưởng ứng những hoạt động thiện nguyện do các tổ chức phát động.
Với sự thông minh, sáng tạo và bản lĩnh, thế hệ doanh nhân thời kỳ hội nhập đã để lại nhiều công trình, sản phẩm không chỉ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội mà còn mang dấu ấn Việt Nam như cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, hầm đường bộ Đèo Cả; hầm Hải Vân 2; cầu Bạch Đằng...
Trong lĩnh vực sản xuất ô tô, Tập đoàn Vingroup đã biến giấc mơ sản xuất được ô tô thương hiệu Việt Nam trở thành sự thật, cho ra đời các dòng ô tô sang trọng, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Trong lĩnh vực hàng không, bên cạnh Viet Nam Air lines, chúng ta có hàng không Bamboo Airways, VietJet Air với nhiều thành tựu kết nối với thế giới. Ở lĩnh vực Du lịch, chúng ta có nhiều khu du lịch đẳng cấp quốc tế từ Sapa, Hạ Long đến Phú Quốc…
Ở góc độ rộng hơn, với tinh thần tự tôn dân tộc, màu cờ sắc áo, nhiều doanh nhân đã nhanh chóng thích ứng với hội nhập, không ngừng học hỏi, vươn ra biển lớn, tự tin cạnh tranh và khẳng định sản phẩm mang trí tuệ Việt, thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.
Những doanh nghiệp trong thời kỳ đổi mới đã có nhiều nỗ lực đưa thương hiệu “Made in Việt Nam” ra thị trường quốc tế với nhiều loại sản phẩm chất lượng từ sữa, cà phê, gạo…đến ô tô, phần mềm công nghệ. Có thể kể đến những cái tên như Tập đoàn Viettel, Vingroup, Vinamilk, FPT, Thaco, TH Group, Trung Nguyên….gắn liền với những doanh nhân điều hành hay làm chủ doanh nghiệp như ông Phạm Nhật Vượng, anh hùng lao động Thái Hương, bà Mai Kiều Liên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, ông Trương Gia Bình…
Và còn nhiều doanh nghiệp, doanh nhân khác không phân biệt lớn nhỏ, vùng miền… vẫn đang miệt mài cống hiến vì mình, vì cộng đồng, vì sự tử tế và tình yêu với quê hương đất nước.
Tự hào 2 tiếng Việt Nam |
Chúng tôi đã có may mắn được tiếp xúc, nói chuyện với nhiều doanh nhân tâm -tài và họ nói rằng, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt, chế độ xã hội chủ nghĩa ưu Việt đã tạo ra những doanh nhân như thế. Họ luôn đặt đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội lên hàng đầu.
Trong suốt 77 năm qua, đặc biệt sau hơn 35 năm đổi mới, thực hiện đường lối của Đảng, dưới sự quản lý của Nhà nước, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ và rất đáng tự hào. Tinh thần khởi nghiệp của dân tộc được khơi dậy. Việt Nam đã có hàng triệu doanh nhân, đang đứng mũi, chịu sào ở hơn 900.000 doanh nghiệp và hơn 5,6 triệu hộ kinh doanh. Doanh nhân, DN Việt Nam đã và đang tiếp tục khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của mình đối với công cuộc phát triển kinh tế-xã hội và góp phần tích cực bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh quốc gia trong thời kỳ hội nhập.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam |
Là người có nhiều năm gắn bó với giới doanh nghiệp, doanh nhân, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết, những năm qua, đội ngũ DN, doanh nhân Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ về chất lượng và số lượng, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa hàng chục triệu lao động từ khu vực kinh tế có năng suất thấp sang khu vực kinh tế có năng suất cao, góp phần xóa đói giảm nghèo và cùng với cả dân tộc viết lên một câu chuyện thoát nghèo vĩ đại ở Việt Nam.
Trong lực lượng DN, doanh nhân của Việt Nam thì đội ngũ DN, doanh nhân trong ngành Công Thương đóng vai trò đầu tàu, vì bản chất của quá trình phát triển đất nước những năm qua là công nghiệp hóa và phát triển mạnh mẽ công nghiệp và thương mại. Những DN trong lĩnh vực Công Thương đóng vai trò đi đầu trong hội nhập kinh tế của đất nước, họ chính là “nhịp cầu nối” giữa kinh tế Việt Nam với kinh tế thế giới. Qua đó, DN, doanh nhân ngành Công Thương không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam, tạo ra những thành quả xuất khẩu, mà còn tiếp thu được kinh nghiệm của thế giới để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam thông qua các hoạt động của mình. Các doanh nhân ngành Công Thương cũng có những ý tưởng, kiến nghị tích cực, đóng góp hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường của nước ta, nên có thể khẳng định, DN, doanh nhân Việt Nam nói chung và DN, doanh nhân ngành Công Thương nói riêng đã nắm giữ vai trò nòng cốt trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đối với đội ngũ doanh nhân, làm DN không chỉ để lo cho bản thân, gia đình mình, mà còn tạo công ăn việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế đất nước. Có nghĩa là, họ đã vượt ra ngoài những lợi ích cá nhân, gia đình, hướng tới lợi ích dân tộc, quốc gia, cống hiến vì màu cờ sắc áo của dân tộc Việt Nam, đó chính là lòng yêu nước. Nên xét về mọi khía cạnh, hoạt động kinh doanh và tinh thần của doanh nhân chính là tinh thần yêu nước, tinh thần dấn thân, và họ chính là những người chiến sĩ thời bình trên mặt trận kinh tế.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, chúng ta có quyền tự hào về những thành tựu kinh tế - xã hội, cũng như vị thế của Việt Nam. Từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, bị tàn phá bởi chiến tranh, trở thành một nước có thu nhập trung bình và đang vững vàng hội nhập. Việt Nam cũng được thế giới ghi nhận như một mẫu hình chuyển đổi thành công từ kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế thị trường vì lợi ích của người dân.
Tại lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022 mới đây, ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch phòng Công nghiệp Thương mại Việt Nam vui mừng chia sẻ, khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 70% nguồn thu thuế cho ngân sách Nhà nước, tạo việc làm cho khoảng 15 triệu lao động. Đội ngũ doanh nhân giữ vai trò là lực lượng chủ lực trong quản lý, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra hàng hoá, dịch vụ đáp ứng nhu cầu quốc dân và xuất khẩu, tạo tiềm lực, vị thế mới cho đất nước. Chúng ta đã có những ngành hàng, những sản phẩm chiếm lĩnh thị phần cao trên thị trường toàn cầu.
"Từ một quốc gia lạc hậu, thuộc nhóm nghèo nhất thế giới, chúng ta tự hào khi hôm nay kinh tế Việt Nam đứng trong TOP40 thế giới về GDP, TOP20 về quy mô thương mại quốc tế. Doanh nhân Việt Nam vui mừng, tự tin và có quyền tự hào về những đóng góp của mình trong sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng hùng cường, thịnh vượng!" - Ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
Có thể khẳng định, những thành quả của đất nước với sự đóng góp của các doanh nhân đầy tài năng, khí chất, sự tự tin, trách nhiệm và tử tế đã là chất kết nối, lan toả, tạo niềm tin với cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp nổi tiếng thế giới, đưa họ đến Việt Nam để cùng đóng góp, xây dựng cộng đồng ngày càng vững mạnh.
Đó là niềm tự hào mà chúng ta nên biết, nên trân trọng!
Dẫu biết rằng, con đường phía trước không hề dễ dàng, và đâu đó vẫn còn những trường hợp đáng buồn, song với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tin rằng các doanh nghiệp, doanh nhân Việt vẫn tự tin vững bước trên bước đường hội nhập, sánh vai các cường quốc năm châu như Hồ Chủ tịch lúc sinh thời mong muốn.