Diện bao phủ bảo hiểm xã hội mở rộng 16,1 triệu người tham gia
Báo cáo tại Hội nghị, ông Lê Hùng Sơn - Phó Tổng Giám đốc, BHXH Việt Nam - cho biết, trong năm 2020, BHXH Việt Nam luôn chủ động bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành BHXH Việt Nam đạt chỉ tiêu trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19 |
Đến nay, diện bao phủ BHXH được mở rộng với hơn 16,1 triệu người tham gia, đạt 32,6% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó: Số người tham gia BHXH tự nguyện gần 1,1 triệu người, tăng 494 nghìn người, gần gấp đôi so với năm 2019; đạt khoảng 2,2% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện (chỉ tiêu tại Nghị quyết 28-NQ/TW đến hết năm 2021 là 1% nhưng đến năm 2020 đã vượt chỉ tiêu được giao) - tăng gấp gần 05 lần so với năm 2015. Cả nước có gần 13,3 triệu người tham gia BH thất nghiệp (BHTN) đạt khoảng 27% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Chỉ tiêu bao phủ BHYT tiếp tục có bước tăng trưởng ấn tượng với khoảng 88 triệu người tham gia, chiếm 90,85% dân số, vượt 0,15% chỉ tiêu Nghị quyết số 01 của Chính phủ, tăng 25,6% so với năm 2015. So với mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị vượt 10,85%. Với tỷ lệ bao phủ này, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn. So với các quốc gia phát triển trên thế giới, để đạt mục tiêu BHYT toàn dân cần từ 40 đến 80 năm, trong khi Việt Nam là 17 năm.
Ngoài ra, năm 2020 ngành BHXH đã giải quyết trên 133.300 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng (đưa tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng khoảng 3,2 triệu người; trong đó: chi trả bằng tiền mặt cho gần 2,5 triệu người; chi trả cho trên 700 nghìn người qua tài khoản cá nhân); trên 897 nghìn người hưởng trợ cấp 1 lần; gần 9,6 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe (tăng 27,1% so với năm 2015); trên 1,006 triệu người hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 170.481 người (gần 20,4%) so với năm 2019, tăng 91,2% so với năm 2015. Đã thanh toán chi phí KCB BHYT cho trên 167,2 triệu lượt người KCB nội trú và ngoại trú, tăng 28,4% so với năm 2015.
Công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) được BHXH Việt Nam tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan BHXH. Bộ TTHC của ngành BHXH được cắt giảm từ 114 thủ tục (năm 2015), đến nay còn 27 thủ tục; số giờ thực hiện thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp giảm từ 335 giờ/năm (năm 2015) xuống còn 147 giờ (năm 2019), hiện đã hoàn thiện các thủ tục báo cáo Ngân hàng Thế giới (WB) để công nhận còn 129 giờ/năm. Hết năm 2020, BHXH Việt Nam đã triển khai thực hiện 19 DVC trực tuyến cấp độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công (DVC) của Ngành (13 DVC mức độ 4 và 6 DVC mức độ 3); dự kiến năm 2021, 100% DVC của Ngành được thực hiện ở mức độ 4. Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng đã chủ động tích hợp, cung cấp 15 DVC mức độ 4 của Ngành, DVC liên thông với các Bộ, ngành trên Cổng DVC Quốc gia.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo hội nghị |
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà ngành BHXH Việt Nam đã đạt được trong năm 2020, cũng như giai đoạn 5 năm vừa qua. Theo đó, từ khi thực hiện Nghị quyết 19-2018/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia chỉ số BHXH đã có bước cải thiện rất nhanh góp phần quan trọng cải thiện thứ hạng của Việt Nam.
Điểm lại những dấu ấn của ngành BHXH Việt Nam đã đạt được trong những năm qua, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2015, Quốc hội giao tỷ lệ bao phủ BHYT phải đạt 75% dân số và đến 2020 là 80%. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực vượt bậc, đến nay cả nước đã có hơn 90% dân số tham gia BHYT. Kết quả này được ghi nhận không chỉ ở trong nước, mà còn được cộng động quốc tế đánh giá cao bởi để đạt được tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân (90% trở lên) các nước trên thế giới trung bình mất khoảng 40-70 năm nhưng Việt Nam chỉ thực hiện trong vòng 17 năm.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, công tác CCHC và ứng dụng CNTT của BHXH Việt Nam đã mang lại kết quả hết sức cụ thể, không chỉ phục vụ công tác của Ngành, mà còn đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới thông tin quản trị của quốc gia. Trong đó, kho dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT là cơ sở để thúc đẩy cấp thẻ căn cước công dân. Ứng dụng CNTT của ngành BHXH đã góp phần rất lớn để tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời mang lại sự hiệu quả và tính lan toả rộng, củng cố thêm niềm tin và thành công trong tin học hoá trong phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp.
Để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao cho ngành BHXH Việt Nam, Phó Thủ tướng lưu ý, thời gian tới, BHXH Việt Nam cần tăng cường phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan thúc đẩy phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; đồng thời linh hoạt trong cơ chế và thực thi chính sách, tiếp tục tiếp cận để người dân thấy rõ lợi ích của việc tham gia BHXH, BHYT, hướng tới mục tiêu hình thành thói quen tham gia BHXH. Với những kinh nghiệm đã tổ chức triển khai trong thực hiện chính sách BHYT, Phó Thủ tướng tin tưởng, BHXH Việt Nam cũng sẽ đạt được “kỳ tích” trong lĩnh vực BHXH như với BHYT.
Ngoài sự nỗ lực của BHXH Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, để đạt kết quả cao hơn, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương, nhất là về xây dựng, liên thông cơ sở dữ liệu giữa các bên về y tế, lao động… “Khi hệ thống BHXH, BHYT đạt độ bao phủ toàn dân thì an sinh xã hội mới bền vững, đất nước mới bền vững. Thực hiện mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân của Đảng, Nhà nước, phạm vi phục vụ của ngành BHXH Việt Nam sẽ ngày càng mở rộng, hướng tới phục vụ toàn thể nhân dân”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đến hết năm 2021, ngành BHXH đặt mục tiêu số người tham gia BHXH đạt khoảng 35,2% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt 0,2% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28; số người tham gia BH thất nghiệp đạt khoảng 28,5% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt 0,5% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28; số người tham gia BHYT đạt tỷ lệ khoảng 91,56% dân số. |