Đến năm 2025 phải đạt 45% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội
Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua từ ngày 1/7/2024 đã tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả thực thi chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội. Nhằm triển khai hiệu quả Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng các dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật để làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện được thuận lợi và hiệu quả.
Hội nghị “Đóng góp ý kiến đối với dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15". Ảnh: Bảo hiểm Xã hội Việt Nam |
Trong hai ngày 29-30/11, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị “Đóng góp ý kiến đối với dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15.
Tại hội nghị, ông Phạm Trường Giang - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - cho biết, kể từ khi có Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, số người tham gia bảo hiểm xã hội trên cả nước đã gia tăng mạnh mẽ. Năm 2017, số người tham gia bảo hiểm xã hội mới đạt khoảng 24% lực lượng lao động trong độ tuổi, đến hết năm 2024 dự kiến sẽ đạt trên 42%, vượt ngưỡng 20 triệu người tham gia.
Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội cho hay, các mục tiêu đặt ra trong giai đoạn tới rất lớn, đã và đang đặt ra nhiều thách thức với công tác tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội. Đến năm 2025, chúng ta phải đạt 45% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, đến năm 2030 phải đạt 60% - tương ứng với việc phải tăng thêm khoảng 10 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội mới trong giai đoạn 5 năm tới; đồng thời giữ được con số 20 triệu người đang tham gia. Nhiệm vụ trong giai đoạn tới nặng nề hơn rất nhiều. Những nhóm đối tượng dễ vận động đã thực hiện trước, còn lại sẽ là nhóm khó khăn nhất, phức tạp nhất.
Do đó, việc góp ý, xây dựng các văn bản quy định chi tiết thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội 2024 là tiền đề quan trọng để cụ thể hóa những quan điểm, tư tưởng mới trong Luật Bảo hiểm xã hội 2024, tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn, mở ra cơ hội mới, tiền đề mới để tiếp tục phát triển mạnh mẽ số người tham gia bảo hiểm xã hội.
Được biết, trong khoảng 2 tháng qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam triển khai hội nghị đối thoại tại 21 tỉnh, thành phố, trực tiếp đến khoảng 6.300 lượt người; qua đó vừa tuyên truyền các điểm mới của luật, vừa bước đầu ghi nhận những ý kiến để xây dựng dự thảo các văn bản hướng dẫn thực hiện luật.
Tại hội nghị, đại diện Vụ Bảo hiểm xã hội cũng nêu rõ quá trình xây dựng và trình bày tóm tắt 3 dự thảo nghị định, thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trên cơ sở đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nội dung mới sẽ được quy định chi tiết trong các văn bản do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng. Trong đó, có thể kể đến phương án quy định tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh; tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, Ban soạn thảo cũng đặt vấn đề xin ý kiến về các khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh, nhất là với những đối tượng mới thuộc diện tham gia theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2024.