Đã khởi công, triển khai thủ tục 9/29 dự án giao thông lớn liên kết vùng Đông Nam Bộ
Tại Hội nghị lần thứ 3 của Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ (sáng 4/5 tại Tây Ninh), Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan đã báo cáo về các hoạt động của Hội đồng, những kết quả đạt được, việc triển khai quy hoạch vùng vừa được phê duyệt, rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù với vùng Đồng Nam Bộ và tình hình triển khai một số dự án quan trọng, liên kết vùng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường Vành đai 3 TPHCM trên địa bàn TPHCM - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Bộ Chính trịđã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 về phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Các bộ, ngành và địa phương trong vùng Đông Nam Bộ đã khẩn trương quán triệt các nội dung, ban hành các kế hoạch hành động, tổ chức triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các nghị quyết, tích cực triển khai các hoạt động liên kết nội vùng và liên vùng, đạt kết quả tích cực, cụ thể.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tính từ tháng 11/2023, khi Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ được giao các nhiệm vụ cụ thể đến nay, Hội đồng vùng đã hoàn thành được 20/38 nhiệm vụ, chiếm 53% số nhiệm vụ được giao.
Về 29 dự án quan trọng, liên kết vùng, đã khởi công 4 dự án (xây dựng Vành đai 3 TP.HCM, Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, giai đoạn 1 Cảng Hàng không quốc tế Long Thành); đang triển khai các thủ tục đầu tư 5 dự án (cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa, cao tốc TP.HCM - Chơn Thành, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, cao tốc Chơn Thành - Đức Hoà).
Theo đó, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM cơ bản các dự án xây lắp đã khởi công, trong đó đoạn qua tỉnh Long An thực hiện đạt hơn 22% khối lượng, đoạn qua TP.HCM đạt khoảng 12,5% khối lượng, đoạn qua tỉnh Bình Dương đạt hơn 9% khối lượng, đoạn qua tỉnh Đồng Nai đạt hơn 2% khối lượng.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đang trong quá trình thi công, tổng khối lượng gói thầu hiện đạt khoảng 80,05%. Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T3 - Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã hoàn thành hơn 50% khối lượng thi công phần thô, công tác thi công các hạng mục công trình đang được thực hiện đúng với kế hoạch đề ra.
Hiện các cơ quan đang nghiên cứu, triển khai 20 dự án, trong đó đáng chú ý là tuyến Vành đai 4 TP.HCM dài khoảng 206 km và dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ…
Thủ tướng kiểm tra công trường dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tập trung nguồn lực để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng vùng
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, quy hoạch vùng Đông Nam Bộ vừa được Thủ tướng Chính phủphê duyệt thể hiện sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra.
Việc tổ chức triển khai quy hoạch cần được thực hiện công khai, minh bạch theo đúng các quy định của pháp luật, nhằm thu hút rộng rãi các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia thực hiện quy hoạch, với tư duy đổi mới, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của từng bộ, ngành và địa phương, lấy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực phát triển của vùng.
Bộ trưởng đề nghị tập trung nguồn lực để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng vùng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án quan trọng quốc gia đang triển khai, sớm đưa các dự án vào khai thác sử dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, như: Các tuyến đường bộ cao tốc, đường Vành đai 3 TP.HCM, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu…
Cùng với đó, hoàn thiện thủ tục đầu tư để đẩy nhanh việc triển khai các dự án mới, như: Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, tuyến đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Nha Trang, đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, đường sắt đô thị TP.HCM - Đồng Nai - Bình Dương. Đầu tư nâng cấp hệ thống các công trình thủy lợi lớn trong vùng nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước; tập trung đầu tư dự án chống ngập cho TP.HCM…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, để phát triển vùng động lực phía Nam trở thành trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á; phát triển các tuyến hành lang kinh tế để mở rộng không gian phát triển, tạo mối liên kết đồng bộ giữa các địa phương trong vùng.
Rà soát cơ chế đặc thù thuộc 5 lĩnh vực
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với UBND TP.HCM xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, gồm nhiều cơ chế, chính sách mới mang tính đột phá, vượt trội, lần đầu tiên được áp dụng tạo điều kiện để Thành phố phát triển mạnh mẽ.
Về rà soát cơ chế, chính sách đặc thù của cả vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì nghiên cứu, phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ rà soát các nhóm chính sách thuộc 5 ngành, lĩnh vực.
Cụ thể gồm: (1) Nhóm chính sách về đầu tư hạ tầng giao thông kết nối và huy động nguồn lực; (2) Nhóm chính sách về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; (3) Nhóm chính sách về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, cảng biển; (4) Nhóm chính sách về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; (5) Nhóm chính sách về đất đai và xây dựng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, kiến nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát, sửa đổi tích hợp, lồng ghép các cơ chế, chính sách và tập trung bố trí nguồn lực thực hiện để đảm bảo tính nhất quán và hiệu lực, hiệu quả 5 của chính sách. Trong đó, tập trung vào các chính sách huy động nguồn lực, nhất là đối với các địa phương có khả năng thu lớn, tạo điều kiện để đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến đường sắt đô thị, cao tốc, quốc lộ và Vành đai 4 TP.HCM đi qua địa bàn các tỉnh; đồng thời ưu tiên các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích nhân tài, làm cơ sở phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng.
Nhiều chỉ tiêu dẫn đầu cả nước
Theo báo cáo, kết quả phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ năm 2023 đã đạt những kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu cao hơn mức bình quân chung cả nước.
Tốc độ tăng trưởng GRDP cả vùng ước đạt 5,06% so với mức tăng 5,05% của cả nước; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của các địa phương trong vùng; một số chỉ tiêu dẫn đầu cả nước như: quy mô GRDP của vùng đóng góp vào GDP cả nước lớn nhất (chiếm 30,2% GDP), GRDP bình quân đầu người (đạt 166 triệu đồng), thu ngân sách nhà nước (675 nghìn tỷ đồng), thu hút đầu tư nước ngoài có 4/6 địa phương trong vùng thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.
Bên cạnh đó, vùng vẫn còn một số khó khăn về hạ tầng giao thông chưa kết nối đồng bộ, khoa học công nghệ chưa thực sự phát triển và các hoạt động liên kết, điều phối vùng cần được quan tâm hơn nữa.