Bưởi đỏ tiến vua Thanh Hoá đắt khách dịp Tết Nguyên đán 2024

Tại Thanh Hoá có một giống bưởi rất đặc biệt, từng là sản vật để tiến vua, có tên gọi là bưởi đỏ hoặc bưởi Luận Văn. Loại bưởi này được trồng nhiều nhất là ở huyện Thọ Xuân (Thanh Hoá) với tổng diện tích khoảng 56ha, trong đó diện tích bưởi đang ở giai đoạn kinh doanh cho quả là 20ha.

Loại bưởi này đặc biệt bởi ban đầu khi còn nhỏ sẽ có màu xanh như những loại bưởi thông thường. Thế nhưng vào độ khoảng tháng 7, tháng 8 âm lịch thì nó lại chuyển một màu áo mới sang vàng, từ vàng sang hơi cam và cuối cùng là màu đỏ gấc từ trong ra ngoài rất bắt mắt cùng với mùi thơm man mát, nhẹ nhàng.

Theo người dân ở đây kể lại rằng màu đỏ của bưởi Luận Văn tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng khi bày trong mâm ngũ quả nên vào mỗi dịp Tết bưởi Luận Văn sẽ được nhiều người dân tìm mua để thờ cúng. Chính vì vậy vào thời điểm này, còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các hộ gia đình trồng bưởi ở huyện Thọ Xuân lại nô nức, bận rộn chăm bón cho cây để chuẩn bị cung cấp cho thị trường.

Hàng năm, sản lượng bưởi Luận Văn ước đạt 400 tấn/ vụ thu hoạch, tương đương khoảng 380.000 – 400.000 quả. Với kinh nghiệm trồng bưởi lâu năm của người dân trong vùng, bưởi đỏ khi chín sẽ dao động từ 0,7-1,3kg. Những quả bưởi nào càng to, tròn, màu sắc đều đẹp thì giá sẽ càng cao. Không những thế, năm 2021 sản phẩm bưởi Luận Văn được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Điều này đã mở ra hướng phát triển kinh tế hộ gia đình rất hiệu quả cho bà con nông dân trong vùng.

Nắm bắt được tiềm năng phát triển của bưởi Luận Văn, hiện nay, UBND huyện Thọ Xuân cũng đang tiến hành lên kế hoạch phát triển, hình thành vùng sản xuất bưởi Luận Văn kết hợp ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất. Từ đó đem lại hiểu quả kinh tế, giá trị thẩm mỹ và phát triển đời sống của bà con nông dân huyện Thọ Xuân.

Thực hiện Hoàng Minh - Mai Lan

Mobile VerionPhiên bản di động