Công nhận quy chế kinh tế thị trường: Cải thiện hình ảnh, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế
Ngày 5/8, theo Bộ Công Thương Costa Rica đã trở thành quốc gia thứ 73 công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Đây là một động thái tích cực, trong bối cảnh ta đang đề nghị một số đối tác thương mại công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Như vậy, đến nay đã có 73 quốc gia đã công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, trong đó có các nền kinh tế lớn. Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong đã có cuộc trao đổi về dấu mốc này với Báo Công Thương.
Công nhận quy chế kinh tế thị trường, các doanh nghiệp trong nước sẽ gỡ bỏ được các áp lực và tác động tiêu cực về điều tra phòng vệ thương mại. Ảnh: TTXVN |
Thưa ông, 73 quốc gia đã công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam với các nước. Để có kết quả ấn tượng này, ông nhìn nhận thế nào về những nỗ lực cũng như thành tựu mà Việt Nam đã được trong quá trình hội nhập với nền kinh tế thế giới?
Theo tôi, 73 quốc gia công nhận quy chế /chu-de/kinh-te-thi-truong.topic của Việt Nam là con số hết sức ý nghĩa, giúp cải thiện hình ảnh và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời đem lại các cơ hội hợp tác và đầu tư có lợi cho Việt Nam với các nước dù đã hay chưa công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Ngoài ra, việc công nhận này còn giúp chúng ta tạo môi trường thể chế thuận lợi để hiện thực hóa được những văn bản đã ký kết; tăng cường hơn nữa quan hệ song phương, nhất là trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.
Để có kết quả trên, thời gian qua, như chúng ta thấy rất rõ, đó là Việt Nam đã và đang tiếp tục nỗ lực khẳng định, xây dựng và phát triển hiện thực hoá các thể chế kinh tế thị trường cả trong các văn kiện và quy định pháp lý nền tảng của Đảng, Nhà nước, cũng như trong hoạt động chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành trên thực tế trong các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội. Đặc biệt, môi trường đầu tư ngày càng tự do hoá và tuân thủ những quy luật, nguyên tắc và thông lệ chính, kinh nghiệm tốt về kinh tế thị trường trên thế giới.
Trong đó, những thay đổi rõ nét theo hướng tích cực đó là hệ thống pháp luật đang hướng nhanh đến sự hoàn thiện và ổn định, tiếp cận và tương thích với hệ thống luật pháp quốc tế và các điều ước quốc tế mà Chính phủ Việt Nam đã và sẽ tham gia. Nền kinh tế ngày càng vận hành thông suốt theo các yêu cầu phát triển bền vững.
Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong |
Mặt khác, cơ chế quản lý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam không dừng ở yêu cầu kết hợp hài hoà hai bàn tay nhà nước với bàn tay thị trường như cách hiểu phổ biến lâu nay trên thế giới, mà phải là giải quyết hài hòa mối quan hệ tay ba giữa nhà nước - thị trường - xã hội. Trong đó, nhà nước đóng vai trò bảo đảm, còn thị trường và xã hội thực hiện đúng chức năng của mình.
Đến nay, Việt Nam đang có quan hệ kinh tế-thương mại với hơn 230 nước, vùng lãnh thổ; tham gia nhiều hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực; đã ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với hơn 60 quốc gia, đối tác thương mại quốc tế, trong đó có các FTA thế hệ mới CPTPP, EVFTA, RCEP... tạo sân chơi thương mại tự do với cộng đồng các quốc gia chiếm trên 50% tổng thương mại và GDP toàn cầu.
Từ năm 2021, lần đầu tiên Việt Nam được các xếp vào nhóm các nền kinh tế có mức tự do trung bình và là nước đáng tin cậy về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể: Việt Nam là nền kinh tế tự do đứng thứ 17/40 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đứng thứ 90/184 nền kinh tế trên thế giới theo bảng xếp hạng về Chỉ số tự do kinh tế năm 2021 (Index of Economic Freedom 2021, của Heritage Foundation (Mỹ).
Bên cạnh đó, nhờ chuyển đổi mạnh mẽ theo cơ chế thị trường, trong suốt gần 40 năm qua, Việt Nam luôn nằm trong nhóm những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới, với mức tăng trưởng trung bình gần 7% mỗi năm.
Đặc biệt, từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay, Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản hàng đầu thế giới. Năng suất lao động của người Việt cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn 2010 - 2020, đạt 64%, cao hơn so với nhiều nước trong khu vực, chủ yếu nhờ sự cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và dòng vốn FDI lớn.
Để có những thành tựu, dấu ấn trong quá trình phát triển kinh tế, hội nhập là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cơ quan Bộ ngành của Chính phủ, trong có công lao to lớn của Bộ Công Thương cả trong các cuộc đàm phán, vận động công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, cũng như trong xây dựng và triển khai các thể chế quản lý nhà nước bảo đảm bám sát các ngyên tắc và yêu cầu kinh tế thị trường; các cam kết quốc tế của Chính phủ, góp phần định hình nền kinh tế thị trường, cải thiện và củng cố vị thế đối ngoại, cũng như bảo vệ thị trường và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam…
Những tác động, lợi ích của việc được công nhận quy chế kinh tế thị trường là rất lớn, đặc biệt các cơ hội phát triển, hội nhập đối với cộng đồng doanh nghiệp. Quan điểm của ông về cơ hội này như thế nào?
Như tôi đã chia sẻ, việc các quốc gia công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại song phương, đặc biệt mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp Việt Nam cũng như đối tác. Trong đó, lợi ích lớn nhất là cộng đồng doanh nghiệp hai bên ngày càng được tự do và thuận lợi hơn trong thâm nhập thị trường và tìm kiếm các cơ hội đầu tư phù hợp, giảm thiểu xung đột lợi ích và tranh chấp thương mại.
Đặc biệt, khi được công nhận quy chế kinh tế thị trường, các doanh nghiệp trong nước sẽ gỡ bỏ được các áp lực và tác động tiêu cực về điều tra phóng vệ thương mại trong bối cảnh xuất khẩu hàng hoá tăng trưởng mạnh mẽ; trước xu hướng bảo hộ, nhiều quốc gia gia đang gia tăng sử dụng công cụ phòng vệ phòng vệ thương mại. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp các nước có thêm cơ hội tiếp cận thị trường và xuất khẩu sang Việt Nam, góp phần thúc đẩy chuỗi cung ứng nhất là khi Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất của thế giới.
Thời gian tới, cần triển khai những nội dung, kế hoạch nào để thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư với các quốc gia công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam cũng như tiếp tục các nỗ lực để các quốc gia khác công nhận quy chế kinh tế thị trường, thưa ông?
Những việc tự nhiên tiếp theo tới đây là Việt Nam cần đẩy nhanh hơn quá trình các nước còn lại của WTO công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường để Việt Nam trở thành thành viên đầy đủ của WTO. Bên cạnh đó, Chính phủ sớm thông tin và thúc đẩy tuyên truyền trong nước và quốc tế về các nghĩa vụ, quyền và lợi ich hợp pháp của các cơ quan Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam khi trở thành thành viên đầy đủ của WTO. Đồng thời, Chính phủ cần có thêm các hoạt động thúc đẩy tất cả các thành viên châu Âu (EU) sớm thông qua Hiệp định bảo hộ đầu tư đã ký giữa Việt Nam với các nước EU cùng thời điểm ký Hiệp định EVFTA.
Ngoài ra, Chính phủ cần tiếp tục nỗ lực để các quốc gia, nền kinh tế khác, nhất là Hoa Kỳ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam nhằm mang lại những lợi ích, cơ hội phát triển mới cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. Bởi, ngay như riêng Hoa Kỳ, khi bị coi là nền kinh tế phi thị trường, các doanh nghiệp Việt Nam bị nhiều bất lợi do đã và đang đối diện một loạt vụ kiện phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này, nhất là điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
Bên cạnh đó, việc coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường cho phép Hoa Kỳ áp dụng thuế suất toàn quốc - là mức thuế dành cho các doanh nghiệp không hợp tác hoặc không chứng minh được họ không chịu sự kiểm soát của Chính phủ. Thuế suất toàn quốc thường được Hoa Kỳ tính toán dựa trên dữ liệu sẵn có nên thường bị đẩy lên rất cao và được duy trì trong tất cả các đợt rà soát, gây cản trở cho việc xem xét dỡ bỏ lệnh áp thuế. Do đó, nếu được Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp sữ gỡ bỏ được các áp lực và tác động tiêu cực về điều tra chống bán phá giá.
Xin cảm ơn ông!