“Do thiếu khả năng tạo ra đột biến trên chiến trường, NATO ngày càng có xu hướng cần phải đóng băng cuộc xung đột ở Ukraine. Điều đó tạo ra cơ hội để khôi phục khả năng chiến đấu của lực lượng vũ trang Ukraine và chuẩn bị kỹ lưỡng cho nỗ lực phản công”, TASS dẫn thông tin từ Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga (SVR) cho hay.
Theo SVR, NATO đang thành lập các trung tâm huấn luyện ở Ukraine. Theo kế hoạch, ít nhất 1 triệu người Ukraine được huy động tại đây. SVR lưu ý, một trong những vấn đề quan trọng khác của NATO trong thời gian ngừng bắn sẽ là khôi phục tổ hợp công nghiệp quốc phòng Ukraine.
NATO ngày càng có xu hướng cần phải đóng băng cuộc xung đột ở Ukraine do không có triển vọng tạo ra đột biến trên chiến trường. Ảnh: AP |
“NATO đang nhận ra rằng, nếu không cung cấp đủ vũ khí và đạn dược cho Kiev thì việc dựa vào khả năng của Ukraine để tiến hành các hoạt động chiến đấu cường độ cao trong thời gian dài là không thực tế”, SVR nhấn mạnh.
Cũng theo SVR, để giải quyết các vấn đề ở Ukraine, phương Tây sẵn sàng “kiểm soát” các vùng lãnh thổ của nước này. Vì mục đích đó, một đội quân được gọi là gìn giữ hòa bình có thể được đưa vào lãnh thổ Ukraine.
SVR cho rằng, các vùng lãnh thổ đã được xác định của Ukraine là sẽ phân chia giữa Romania, Ba Lan, Đức và Anh. Theo các thông tin tình báo, tổng cộng 100 nghìn binh sĩ gìn giữ hòa bình dự kiến được cử tới Ukraine.
“Kế hoạch này sẽ chia cắt Ukraine thành 4 khu vực do nhiều nước kiểm soát. Romania sẽ kiểm soát Biển Đen, Ba Lan sẽ kiểm soát phía tây Ukraine và Anh sẽ quản lý phía bắc, bao gồm cả Kiev. Các khu vực trung tâm và phía đông của Ukraine sẽ do Đức kiểm soát”, SVR cho biết.
Thông tin trên được SVR đưa ra sau khi tờ Le Monde của Pháp dẫn nguồn tin cho biết, Pháp và Anh đã tái khôi phục thảo luận về việc đưa quân sang Ukraine giữa lúc cuộc xung đột đang bước vào đợt leo thang mới.
Nguồn tin cho biết, đây là những thảo luận nhạy cảm, hầu hết là tuyệt mật, được tái khởi động trước viễn cảnh Mỹ chuẩn bị rút lại sự hỗ trợ cho Ukraine.
Theo phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov, không biết rõ mức độ xác thực của thông tin trên nhưng ý tưởng này từng gây ra những ý kiến trái chiều tại châu Âu.
“Không có sự nhất trí giữa các nước châu Âu về vấn đề này nhưng đương nhiên, một số cái đầu nóng vẫn xuất hiện. Việc triển khai binh sĩ nước ngoài đến Ukraine sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng không thể đảo ngược”, ông Peskov nói.