15 năm Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
Hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ cao tại kênh phân phối
Theo Bộ Công Thương, sau 15 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", tỷ lệ người dân dùng hàng Việt đã tăng mạnh.
Tỷ lệ người dân dùng hàng Việt đã tăng mạnh
Thời gian vừa qua, các doanh nghiệp, chủ thể hợp tác xã trên cả nước đã nỗ lực sản xuất, đưa ra thị trường các sản phẩm chất lượng. Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương cho biết, tính đến tháng 8/2024, cả nước đã đánh giá, phân hạng được gần 13.000 sản phẩm OCOP; trong đó có 73,9% sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 24,7% sản phẩm OCOP đạt 4 sao và 50 sản phẩm 5 sao. Với tỉnh An Giang đã hình thành và phát triển được gần 200 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.
“Thời gian gần đây, người tiêu dùng Việt Nam đã hình thành thói quen lựa chọn, chú trọng những sản phẩm có thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Việc xây dựng, phát triển các điểm giới thiệu, bày bán các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền như Trung tâm đặc sản Việt Nam tại Châu Đốc, hoặc các kênh phân phối thuần Việt khác đóng vai trò quan trọng đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng” – bà Lê Việt Nga chia sẻ.
Theo Bộ Công Thương, sau 15 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", tỷ lệ người dân dùng hàng Việt đã tăng mạnh.
Khảo sát tại một số siêu thị cho thấy, hàng Việt được trưng bày tại hệ thống quầy kệ ngày càng đa dạng về mẫu mã và tỷ lệ áp đảo hàng ngoại nhập. Đặc biệt, tại các kênh phân phối thuần Việt, tỷ lệ hàng Việt chiếm cao hơn. Đơn cử, tại chuỗi siêu thị WinMart/WinMart+, tỷ trọng hàng Việt cũng luôn được duy trì đạt mức từ 80-90% số lượng, chủng loại hàng hóa; trong đó, doanh thu từ các mặt hàng nông sản chiếm trên 30%. Chuỗi siêu thị Coop mart, tỷ lệ hàng Việt là trên 90%, trong đó nông sản chiếm 100%.
Nhận thấy “sức nóng” của hàng Việt, từ đầu năm 2024 nhiều doanh nghiệp bán lẻ nội trở lại “đường đua” mở rộng hệ thống siêu thị. Đơn cử như để phục vụ tối đa nhu cầu mua sắm đa dạng của người tiêu dùng, trong nửa đầu năm 2024, WinCommerce (doanh nghiệp quản lý khai thác hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích WinMart+/WiN) đã mở mới 91 cửa hàng WinMart+/WiN, đồng thời chuyển đổi 236 cửa hàng WinMart+ sang mô hình cửa hàng WiN.
Không chỉ WinCommerce nhiều doanh nghiệp bán lẻ cũng tham gia vào cuộc đua mở rộng thị phần. Đáng ghi nhận, hệ thống phân phối đã tập trung tiêu thụ hàng Việt qua đó góp phần kích thích sản xuất trong nước.
“Hiện trên các kệ hàng siêu thị, cửa hàng tiện lợi, ở thành thị, nông thôn… hàng Việt luôn chiếm tỷ trọng 85-90%” - bà Lê Việt Nga cho biết.
Chú trọng chất lượng sản phẩm
Để đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt tại thị trường nội địa, bà Vũ Thị Hậu - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, việc các doanh nghiệp bán lẻ mở rộng hệ thống phân phối là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, tiêu thụ hàng hóa. Tuy nhiên, để hàng hóa vào được những kênh phân phối này, nhà sản xuất phải đáp ứng các tiêu chuẩn như: đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc rõ ràng…
Ở góc độ đơn vị bán lẻ, bà Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, hiện tại hệ thống bán lẻ Saigon Co.op đang có hơn 130 mặt hàng OCOP đến từ các hợp tác xã của nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Tuy nhiên, để đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng qua hệ thống siêu thị, bên cạnh việc bảo đảm về số lượng, các chủ thể OCOP cần chú trọng hơn về chất lượng sản phẩm. Thiết kế bao bì theo hướng bắt mắt qua đó người tiêu dùng có thể hiểu được câu chuyện về sản phẩm, tạo sự khác biệt giữa các sản phẩm OCOP của vùng miền khác nhau.
Thông tin về những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc hỗ trợ các chủ thể OCOP tiêu thụ, quảng bá sản phẩm, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thời gian tới sẽ thường xuyên tiến hành rà soát danh mục sản phẩm OCOP cần kết nối vào các kênh phân phối bán lẻ nhằm cung cấp thông tin đến các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối để tổ chức kết nối, tiêu thụ theo nhu cầu.
Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam đến đông đảo người tiêu dùng. Triển khai các hoạt động giao thương, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất kinh doanh trên địa bàn thông qua tổ chức các chương trình, hoạt động giao thương, hội chợ, triển lãm, tôn vinh sản phẩm Việt…
Từ đó các đơn vị tham gia quảng bá thương hiệu sản phẩm, kết nối, hợp tác với các kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm trong nước, hỗ trợ xuất khẩu thông qua hệ thống phân phối nước ngoài (Aeon, Lotte, Central Group…).
Bộ Công Thương khuyến nghị trong thời gian tới các địa phương cần có chiến lược hỗ trợ cho các hộ sản xuất ở vùng sâu, vùng xa về kỹ thuật canh tác nông nghiệp chất lượng cao và các phương thức vận tải phù hợp để đa dạng hóa thêm nhiều loại nông sản đạt tiêu chuẩn VietGap trên kệ hàng của người Việt.
Ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới, người sản xuất làm sao để đưa hàng đến được cho người bán hàng, hệ thống bán buôn, bán lẻ thì phải qua hệ thống. Bộ Công Thương cũng khuyến nghị với các tỉnh, các địa phương phải tổ chức doanh nghiệp đứng ra thu mua thì mới đảm bảo hàng hóa đồng đều, thúc đẩy sản xuất quy mô lớn.