Chiều 14/4, tại Trung tâm văn hóa Pháp, Hà Nội đã khai mạc triển lãm ảnhPhóng viên chiến trường của bốn phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính, Chu Chí Thành, Mai Nam và Hứa Kiểm.
Triển lãm giới thiệu đến công chúng 40 bức ảnh chọn lọc được các phóng viên chiến trường chụp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam. Mỗi hình ảnh cùng với những dòng chú thích giúp công chúng hiểu thêm về câu chuyện chiến tranh Việt Nam dưới nhiều góc cạnh khác nhau.
Tại triển lãm, các phóng viên chiến trường cũng kể lại những chiến tích, kỷ niệm về chiến trường Việt Nam. Họ là những người đã tham gia tác nghiệp đưa tin về cuộc chiến tranh chống Mỹ, ghi lại những năm tháng kháng chiến hào hùng của dân tộc bằng những bức ảnh lịch sử chân thực, trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ.
“Giữa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước khốc liệt, tôi vẫn nhìn thấy được tinh thần lạc quan, vui tươi của mỗi người lính sau các trận đánh. So với những bức ảnh của các nhà báo phương Tây, chúng tôi đem đến một góc nhìn khác về chiến tranh Việt Nam. Những bức ảnh dung dị nhưng thể hiện tư thế của những người chiến thắng trong cuộc đấu tranh giành độc lập: bình tĩnh, gan dạ mà phi thường”, nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành (nguyên phóng viên ảnh TTXVN) chia sẻ.
19 tuổi, Nguyễn Thị Hiền là tiểu đội trưởng dân quân Yên Vực, huyện Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa. Cô đã trải qua 800 đợt rải bom và bị bom B52 chôn sống 4 lần, năm 1966 (Ảnh: Mai Nam).
Đoàn Công Tính nhớ lại một trong những phóng sự đầu tiên của ông, khi mà ông cảm thấy nhu cầu mạnh mẽ phải ghi giữ lại cho lịch sử những hình ảnh diễn ra trước mắt ông: "Khu rừng yên tĩnh bị lay chuyển bởi các đơn vị bộ binh và pháo binh di chuyển dọc đường mòn Hồ Chí Minh số 9. Tôi đã theo họ, trên vai đeo một khẩu súng AK 47, hai máy ảnh và một ba lô đầy phim, trái tim đầy nhiệt huyết và lo lắng. Người Mỹ rải thảm bom xuống chúng tôi, rồi lại thả truyền đơn kêu gọi gia nhập hàng ngũ của kẻ thù, hứa hẹn cuộc sống xa hoa. Tôi đã sững sờ khi thấy sự tương phản giữa các hố bom đen ngòm và những tờ truyền đơn trắng ngập bàn chân những chiến sỹ của chúng tôi. Khi đó tôi mới thấy rõ sức mạnh của hình ảnh..."
Còn đối với Mai Nam, một trong những bức ảnh có giá trị với ông nhất là ảnh một cô du kích 19 tuổi, Nguyễn Thị Hiền, phụ trách một nhóm sáu cô gái tải lương thực cho các đội quân Việt Nam dân chủ cộng hòa bảo vệ cầu Hàm Rồng chống lại máy bay ném bom Mỹ. Cô đã thoát hơn 380 cuộc không kích và đã bị chôn sống bốn lần trong những đợt bom nổ, cùng với đồng đội của mình, cô đã nhiều lần vác súng thay những người lính hy sinh. "Máy bay ném bom nhiều lần mỗi ngày, chúng oanh tạc đến nỗi chúng tôi không thể di chuyển để lấy thức ăn. May mắn thay, sau những trận bom nổ, hàng chục con cá chết trôi phơi bụng trên mặt sông Mã, thế là niềm vui đến sau nỗi sợ, một kiểu đánh cá kỳ diệu", ông nói....
Một số bức ảnh tại triển lãm “Phóng viên chiến trường” (kéo dài từ ngày 14/4- 10/5):
Bộ đội cụ Hồ cố gắng mở đường vượt thác ghềnh cho các đơn vị hậu cần theo sau vận chuyển thực phẩm và trang bị vũ khí (Ảnh: Đoàn Công Tính)
Xe tăng bị mìn phá hủy, bộ đội tiếp tục bám đuổi kẻ thủ (đường 9 Nam Lào, 1971) (Ảnh: Đoàn Công Tính)
Dân quân nam và nữ giúp bộ đội Bắc Việt Nam kéo pháo lên trận địa Hải Dương năm 1972 (Ảnh: Mai Nam)
Dân quân Trần Văn Ong, xã Đức Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã bắn hạ một máy bay F4H ngày 16/11/1987 (Ảnh: Chu Chí Thành)
Tỉnh Hà Tĩnh, dân quân bảo vệ tuyến ven biển chụp năm 1967 (Ảnh: Mai Nam)
Nữ vô tuyến điện của Quân đội Nhân dân Việt Nam trên đường mòn Hồ Chí Minh (Ảnh: Hứa Kiểm)
“Bộ đội tranh thủ nghỉ đọc thư” chụp tại dãy Trường Sơn năm 1972 (Ảnh: Đoàn Công Tính)
Giải phóng Sài Gòn ngày 30-4-1975, nhân dân chào mừng người chiến thắng (Ảnh: Hứa Kiểm)