Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 17/2/2024: Nga đạt bước tiến ở Avdiivka; biên giới Belarus-Ukraine “nóng”
Thông tin chiến sự
Nga bắn hạ loạt UAV ở Biển Đen và vùng biên giới. Bộ Quốc phòng Nga thông cáo, các lực lượng phòng không nước này đã bắn hạ tổng cộng 5 UAV của Ukraine ở Biển Đen và vùng biên giới Belgorod.
“Một nỗ lực của chính quyền Kiev nhằm sử dụng UAV tấn công vào các cơ sở trên lãnh thổ Nga đã thất bại. Các hệ thống phòng không đang làm nhiệm vụ của chúng ta đã đánh chặn và tiêu diệt một UAV ở vùng Belgorod và 4 UAV ở phía trên Biển Đen”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Nga đạt bước tiến ở Avdiivka. Các nguồn tin của Nga cho biết, quân đội nước này đã tiến lên ở sườn phía Nam thành phố Avdiivka, thiết lập quyền kiểm soát thêm 2 cứ điểm cố thủ là “Cheburashka” và “Vinogradniki-2”. Tính đến sáng ngày 16/2, các nhóm tấn công của quân đội Nga đã liên tiếp kiểm soát 3 cứ điểm ở sườn phía Nam.
Trong khi đó, phía Ukraine cho biết, đã xảy ra giao tranh ác liệt ở Avdiivka và họ đang chuẩn bị các cứ điểm mới xung quanh trung tâm công nghiệp này khi Nga tăng cường tấn công.
(Ảnh minh họa) |
Tình hình ở Avdiivka rất khó khăn. Chỉ huy nhóm tác chiến-chiến lược của Tavria của Ukraine, chuẩn tướng Alexander Tarnavsky cho biết, “tình hình ở Avdiivka rất khó khăn nhưng có thể kiểm soát được”.
Ông Tarnavsky cho biết, theo quyết định, một kế hoạch tăng cường các đơn vị đang diễn ra và quân đội đang được điều động để chi viện cho các hướng nguy cấp nhất.
“Nguồn đạn dược và vũ khí khác đã được bổ sung cho lực lượng phòng thủ, đồng thời các vị trí mới đã được chuẩn bị và các công sự vững chắc tiếp tục được củng cố”, ông Tarnavsky tiết lộ.
Một số diễn biến liên quan
Biên giới Belarus-Ukraine “nóng”. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết, “một số phần tử phá hoại”, bao gồm các công dân Ukraine và Belarus, đã bị bắt giữ tại khu vực biên giới giữa hai nước trong khuôn khổ chiến dịch chống khủng bố.
Theo ông Lukashenko các đối tượng bị bắt đã “bò qua biên giới và mang theo chất nổ nhằm phá hoại chủ yếu ở Nga và Belarus”.
Đức-Ukraine ký thỏa thuận an ninh. Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký thỏa thuận an ninh song phương tại Berlin.
“Một bước đi lịch sử. Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine chống lại chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga”, ông Scholz cho biết.
Việc ký kết diễn ra khi ông Zelensky đang có chuyến công du châu Âu nhằm kêu gọi thêm viện trợ quân sự cho Ukraine khi cuộc xung đột với Nga sắp bước sang năm thứ 3. Các chi tiết của thỏa thuận hiện vẫn chưa được công bố.
Ông Trump nêu ý tưởng mới về viện trợ cho Ukraine. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump không hoàn toàn phản đối việc cấp viện trợ cho Ukraine, mà cho rằng Washington có thể làm việc đó theo hình thức các khoản cho vay.
“Ukraine muốn chúng ta cấp thêm cho họ 60 tỷ USD. Hãy làm theo cách này. Cho họ vay tiền. Nếu họ có thể kiếm được tiền, họ sẽ trả lại cho chúng ta. Nếu không, họ sẽ không phải trả lại chúng ta”, ông Trump nói.
Trước đó, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật dành hơn 95 tỷ USD để viện trợ nước ngoài, trong đó hơn 60 tỷ USD cho Ukraine. Tuy nhiên, dự luật vẫn cần sự phê chuẩn của Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát trước khi Tổng thống Joe Biden có thể ký thông qua.
Gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine lên tới 1,1 tỷ euro. Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Zelensky, Berlin sẽ cung cấp cho Kiev một gói hỗ trợ quân sự mới với tổng trị giá khoảng 1,1 tỷ euro.
Theo người đứng đầu chính phủ Đức, gói viện trợ này bao gồm 36 xe tăng hay chính xác hơn là pháo bánh lốp, 120 nghìn quả đạn pháo và 2 hệ thống phòng không mới.
“Cho đến nay Đức đã phân bổ kinh phí hỗ trợ quân sự cho Ukraine hoặc đưa ra các cam kết chi tiêu trong tương lai với số tiền khoảng 28 tỷ euro”, ông Scholz nói.
Ukraine sẽ khó khăn hơn nếu không có sự giúp đỡ từ Mỹ. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng, nếu không có sự giúp đỡ từ Mỹ, Ukraine sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Châu Âu phải tăng cường hỗ trợ cho Kiev. “Mỹ là cường quốc quân sự với ngân sách quốc phòng lớn nhất thế giới”.
Đồng thời, Thủ tướng Scholz nhấn mạnh, Đan Mạch, Hà Lan và Ba Lan đang làm rất nhiều theo hướng này. “Tuy nhiên, nhìn chung, châu Âu đang làm quá ít. Vì vậy, lời kêu gọi của tôi tới các nước EU khác rất rõ ràng: hãy xem liệu các bạn cũng có thể tăng cường hỗ trợ cho Ukraine hay không”, ông Scholz nhấn mạnh.
NATO tăng cường viện trợ cho Ukraine. Tổng thư ký Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg thông báo, Ukraine và NATO sẽ thành lập một trung tâm huấn luyện, phân tích và giáo dục chung ở Ba Lan.
Ông Stoltenberg cho hay, cơ sở mới sẽ được thành lập tại thành phố Bydgoszcz ở miền Bắc Ba Lan. Bên cạnh đó, ông Stoltenberg cũng cho biết, một số thành viên của khối đặt mục tiêu cung cấp cho Ukraine một triệu thiết bị không người lái trong năm 2024.