Chiến sự Nga-Ukraine 24/5/2024: Nguy cơ chiến tranh thế giới đang đến gần hơn; Phương Tây hạn chế đưa quân tới Ukraine
Thông tin chiến sự
Nga kiểm soát làng chiến lược gần Bakhmut. Bộ Quốc phòng Nga thông báo, lực lượng của nước này vừa kiểm soát làng Andreevka, địa điểm then chốt mà Ukraine giành được trong nỗ lực phản công nhằm vào Bakhmut năm ngoái.
“Các đơn vị thuộc cánh quân Nam đã tác chiến tích cực và giành lại làng Andreevka ở tỉnh Donetsk", Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nga cũng cho hay, các đơn vị quân đội Nga đã gây thiệt hại về nhân sự và thiết bị cho Lữ đoàn cơ giới 57, Lữ đoàn phòng thủ lãnh thổ 105, 118 của Ukraine ở các khu định cư Konstantinovka, Razdolovka và Chasiv Yar.
Nga tuyên bố kiểm soát làng chiến lược gần Bakhmut. Ảnh: RIA Novosti |
Ukraine thiệt hại lớn ở Kharkiv. Theo Bộ Quốc phòng Nga, các lực lượng nước này ngày qua tấn công các trung tâm đường sắt, cơ sở huấn luyện binh sĩ điều khiển UAV, và 1 đoàn tàu quân sự của Ukraine chở xe tăng tại Kharkiv.
"Các cuộc tấn công được thực hiện nhằm vào các trung tâm đường sắt được sử dụng để vận chuyển các đơn vị tăng cường cho cánh quân Kharkiv của Ukraine. Theo dữ liệu mới nhất, một đoàn tàu quân sự chở 10 xe tăng bị tấn công ở ga Lyubotin (Kharkiv)”, Bộ Quốc phòng Nga thông báo.
Cũng theo Bộ Quốc phòng Nga, trong ngày qua quân đội nước này tiêu diệt 365 binh sĩ Ukraine ở Kharkiv. Quân đội Nga cũng phá hủy nhiều khí tài của Ukraine tại Kharkiv, gồm: xe tăng, xe chiến đấu bọc thép, pháo M777 và M119 (Mỹ sản xuất), pháo D-20 và pháo D-30.
Một số diễn biến liên quan
Nguy cơ chiến tranh thế giới đang đến gần hơn mỗi ngày. Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết, nguy cơ chiến tranh thế giới ngày càng gia tăng do những "tuyên bố điên rồ" của các chính trị gia phương Tây nói về việc cử binh sĩ đến Ukraine trong bối cảnh cuộc tập trận ở Nga về sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược.
“Có những người muốn gửi binh lính đến Ukraine và những người khác lại mơ tưởng đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân, vì vậy mối đe dọa chiến tranh thế giới đang đến gần hơn mỗi ngày. Chúng tôi thấy những gì đang xảy ra: Các chính trị gia châu Âu đang đưa ra tuyên bố về việc sử dụng vũ khí hạt nhân và Nga đang tiến hành các cuộc tập trận về việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật”, ông Szijjarto nói.
Ngoại trưởng nhắc lại, chính phủ Hungary từ lâu đã nói về việc không thể giải quyết xung đột Ukraine bằng biện pháp quân sự. “Đó là lý do tại sao Hungary tiếp tục kêu gọi các đối tác châu Âu tập trung ít nhất một nửa sức lực vào việc đạt được hòa bình thay vì những tuyên bố và ảo tưởng tạo ra mối đe dọa”, Ngoại trưởng Hungary nhấn mạnh.
Xung đột ở Ukraine phải được giải quyết với sự tham gia của Moscow, Kiev và Washington. Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng, cuộc xung đột ở Ukraine cuối cùng sẽ được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán diễn ra theo hai hướng - giữa Nga và Ukraine và giữa Nga và Mỹ.
“Tôi nghĩ rằng hai quá trình đàm phán hoàn toàn khác nhau sẽ diễn ra song song. Sẽ có một số hình thức liên lạc giữa Ukraine và Nga, nhưng đâu đó sau đó sẽ diễn ra các cuộc đàm phán thực sự giữa Nga và Mỹ”, ông Orban nói.
Ông cũng lưu ý, đây không chỉ là cuộc xung đột giữa hai nước, vì “toàn bộ phương Tây đứng sau Ukraine”. “Theo nghĩa nào đó, đây là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm”.
Phương Tây sẽ hạn chế đưa quân tới Ukraine. Thủ tướng Hungary Viktor Orban tin rằng, các nước phương Tây sẽ hạn chế gửi quân tới Ukraine và chuyển giao cho nước này những loại vũ khí có thể dùng để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.
“Dường như giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến có nghĩa là phương Tây sẽ chuyển giao cho Ukraine các công nghệ vũ khí có khả năng tiếp cận lãnh thổ Nga”, ông Orban cho biết.
Bỉ sẽ hỗ trợ Ukraine nhưng không đưa quân tham chiến. Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ Ludivine Dedonder tuyên bố, Bỉ có ý định hỗ trợ Ukraine “miễn là cần thiết”, nhưng vấn đề cử quân nhân Bỉ đến khu vực xung đột không nằm trong chương trình nghị sự.
“Việc hỗ trợ cho Ukraine sẽ tiếp tục chừng nào còn cần thiết, nhưng việc cử quân nhân không nằm trong chương trình nghị sự”, bà Dedonder nói.
Bộ trưởng Dedonder cho biết, Bỉ đã đào tạo 2,5 nghìn quân nhân cho lực lượng vũ trang Ukraine, bao gồm cả phi công và kỹ thuật viên cho F-16. Về việc cung cấp máy bay F-16, bà nhắc lại Bỉ dự định giao chiếc máy bay đầu tiên cho Kiev vào cuối năm 2024, nhưng chỉ sau khi nước này nhận được những chiếc F-35 được đặt hàng từ Mỹ.
Vũ khí phương Tây không thể đảo ngược tình thế ở Ukraine. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, không có loại vũ khí nào do phương Tây cung cấp có thể thay đổi tiến trình hoạt động đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Theo ông Peskov, phương Tây hiện đang "kích động căng thẳng và không ngừng nâng cao mức độ leo thang" trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.
“Tất cả các chuyên gia đều thấy rõ rằng không có loại vũ khí nào do phương Tây cung cấp có khả năng xoay chuyển tình thế trên chiến tuyến. Điều duy nhất mà những loại vũ khí này có thể làm là khiến hoàn cảnh của người dân Ukraine trở nên khó khăn hơn. Nga sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt và sẽ làm như vậy cho đến khi đạt được tất cả mục tiêu”, ông Peskov nhấn mạnh.