Chủ nhật 22/12/2024 22:14
Bài dự thi cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Cảnh giác với âm mưu dùng văn học nghệ thuật xuyên tạc chiến thắng lịch sử

Đã 48 năm qua đi kể từ ngày đất nước thống nhất, hào khí Chiến thắng chiến dịch Hồ Chí Minh - mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước, giữ nước vẫn ngân vang.

Thế nhưng, mỗi năm đến dịp kỷ niệm Ngày chiến thắng 30-4, các thế lực thù địch lại tăng cường các hoạt động truyền thông, bôi đen, phủ nhận bằng nhiều cách thức mà nổi bật là thông qua các loại hình văn học nghệ thuật và xuất bản phẩm.

Những kẻ lừa dối lại xưng danh “ghét lừa dối”

Văn học nghệ thuật, xuất bản phẩm là một dạng sản phẩm đặc biệt của văn hóa, một phương tiện dễ tác động vào tâm lý, tình cảm, tư tưởng, quan điểm các tầng lớp nhân dân. Ngoài chức năng thẩm mỹ, văn học còn có chức năng giáo dục và định hướng hành động. Nhận thức rõ vị trí, vai trò của nó trong đời sống xã hội nên nhiều năm qua, các thế lực thù địch đã đẩy mạnh việc vận động sáng tác, tuyên truyền, khuếch trương, ca ngợi, đánh bóng các tác phẩm văn học nghệ thuật, xuất bản phẩm nhằm “chuyển lửa” về nước, tạo hiệu ứng chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Trong thời kỳ internet, mạng xã hội phát triển nhanh và mạnh như hiện nay thì “những ngọn lửa” mà chúng chuyển về với tần suất, cường độ cao đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến giới trẻ, đối tượng ưa cái mới, thích sự sáng tạo, nhưng thiếu chiều sâu suy nghĩ, hành động bồng bột.

Hiện nay, những kẻ chuyên phá hoại về lĩnh vực này có Trịnh Hữu Long với chức danh tự phong là Tổng biên tập tập Luật khoa tạp chí (có trụ sở tại Hoa Kỳ, có trang web bằng tiếng Việt, tiếng Anh) và Trần Quỳnh Vi với vai trò là biên tập.

Cùng với các bài đăng tải trên trang web, từ năm 2022, mỗi tháng Long cho ra đời một số tạp chí chuyên đề bản PDF với vài chục trang A4 để đọc trên các thiết bị điện tử, trên mạng xã hội facebook. Dịp 30-4 năm 2022 và 2023, Long cho xuất bản chuyên đề Việt Nam Cộng hòa bằng cách kêu gọi viết bài về chế độ cũ và miền Nam thời hậu chiến. Theo nội dung đã được xuất bản, điểm chung dễ nhận thấy nhất là đều hướng tới mục tiêu phủ nhận thành quả cách mạng, ca ngợi chính quyền ngụy Sài Gòn và những sản phẩm do nó gây dựng lên trong thời gian tồn tại. Qua đó, mưu toan gây khủng hoảng niềm tin xã hội cho nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài.

Được sự cổ vũ, hậu thuẫn, một số đối tượng là nhân viên, công chức, sĩ quan và những kẻ thân tín cùng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ dưới chế độ ngụy quyền Sài Gòn ra sức tổ chức viết hồi ký, truyện, sáng tác ca khúc, vẽ tranh biếm… nhằm ca ngợi chính quyền Diệm, Thiệu, ca ngợi lính ngụy... Họ trắng trợn đổ lỗi cho Đảng ta đã "phát động chiến tranh, gây đau thương cho dân tộc Việt Nam" (!!!).

Ví dụ, vào ngày 30-4, nhóm kín facebook có tên “Nhóm chúng tôi ghét lừa dối” do Thạch Vũ làm quản trị viên đã cho đăng một bức tranh biếm họa thể hiện nhãn quan méo mó về cuộc kháng chiến của dân tộc ta. Bên cạnh đó, chúng cho ra nhiều tác phẩm âm nhạc mà điển hình nhất là Tuấn Khanh để cổ suý cho sự méo mó, tư tưởng lệch lạc ấy.

Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ người Việt ở hải ngoại trong nhiều năm nay đã sử dụng văn học, nghệ thuật làm công cụ tuyên truyền tư tưởng nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta. Họ tung ra hàng loạt tác phẩm đủ các thể loại như tùy bút, nhật ký, hồi ký, truyện ngắn, tiểu thuyết và thơ… Mục đích của thế lực thù địch là ngụy tạo sự kiện, chứng cứ, làm sai sự thật nhằm hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh, phủ nhận thành quả cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Cùng với đó, các thế lực thù địch, chống phá triệt để lợi dụng các kênh ngoại giao, các tổ chức phi chính phủ để gây áp lực hòng tạo ra không gian hoạt động chống đối trong văn học, nghệ thuật trong nước.,… hoặc tuyên truyền, ca ngợi các tác giả, tác phẩm đi ngược lại lợi ích của dân tộc.

Cảnh giác với âm mưu dùng văn học nghệ thuật xuyên tạc lịch sử (Ảnh minh hoạ)

Cảnh giác với hệ lụy mới

Bên cạnh sự chống phá của các thế lực thù địch bên ngoài thì trong nước cũng xuất hiện khuynh hướng sáng tác văn học, nghệ thuật đi ngược dòng, trái với quan điểm của Đảng, Nhà nước, có hại cho công cuộc đổi mới, phá hoại đoàn kết dân tộc.

Trong nước, không ít văn nghệ sĩ đã tận dụng uy tín cá nhân, tầm ảnh hướng với xã hội lập tài khoản blog, zalo, facebook… để bình luận những vấn đề thời sự, chính trị của đất nước bằng ngôn ngữ của văn chương, nghệ thuật với cái nhìn một chiều, cực đoan. Một số trí thức, văn nghệ sĩ đăng tải những trạng thái, những bài thơ, đoạn trích văn xuôi bày tỏ cảm xúc, quan điểm cá nhân trước một số vụ việc trong nước theo hướng phê phán, gieo rắc hoài nghi về đường lối, chủ trương của Đảng, quy định của chính quyền, ngành nhằm tạo cớ để các thế lực thù địch có dịp chống phá Đảng và chế độ ta.

Hoạt động xuất bản phát tán tài liệu, bài viết, bản thảo có nội dung nhạy cảm, trái với quy định và mục tiêu tuyên truyền của nhà nước. Đáng chú ý, các thế lực thù địch đã tán phát vào trong nước hàng chục nghìn tài liệu có nội dung xấu độc, thù địch và một số tác phẩm văn học, nghệ thuật được xuất bản ở nước ngoài có nội dung sai trái về chính trị, lồng ghép những quan điểm trái chiều, phức tạp để tuyên truyền xuyên tạc, kích động... Các lực lượng phản động, cơ hội chính trị đã móc nối, sử dụng một số cán bộ lão thành, có cả cán bộ đương chức, có tướng lĩnh đã nghỉ hưu, bộ phận trí thức, văn nghệ sĩ có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để tạo dựng “ngọn cờ”, tập hợp lực lượng chống đối, tán phát trên internet, mạng xã hội bài viết, tư liệu, tài liệu với luận điệu thâm độc, quan điểm sai trái, cổ xúy cho “dân chủ tư sản”, “xã hội dân sự”, “xã hội dân chủ” để tuyên truyền kích động, gia tăng các hoạt động chống phá.

Những âm mưu, thủ đoạn chống phá trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật có tác động không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm của một bộ phận nhận dân trong, trong đó có giới trẻ. Có không ít người tỏ ra hoang mang, hoài nghi về lịch sử dân tộc cũng như những thành quả cách mạng của nhân dân. Thậm chí có những người mang tâm lý bi quan, chán nản, mất niềm tin vào những giá trị chân-thiện-mỹ. Đó là một nguy hại rất lớn không thể coi thường, xem nhẹ.

Hiện nay, một số bạn trẻ chưa có nhận thức đầy đủ và thấu đáo lịch sử nên bị “nhiễu tư tưởng”. Họ cho ra các sản phẩm phi văn hóa có giá trị tư tưởng tồi, thậm chí bôi xấu hình tượng nghệ thuật của các tác phẩm văn học nghệ thuật nổi tiếng trong lịch sử. Những tác phẩm nhanh chóng được lan truyền trên không gian mạng, trên hệ thống mạng xã hội, trở thành “hot trend”. Ví dụ gần đây trên trên TikTok lan truyền đoạn rap xuyên tạc bài thơ “Lượm” của Tố Hữu viết năm 1949 với nhiều từ ngữ miệt thị, ca từ nhảm nhí, hình ảnh rất phản cảm...

Trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (mục VII) đã nêu rõ: Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, nhấn mạnh: “Chú trọng nâng cao giá trị tư tưởng nghệ thuật, đồng thời bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo văn học, nghệ thuật; khuyến khích những tìm tòi mới làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam; hạn chế các lệch lạc, các biểu hiện chạy theo thị hiếu tầm thường”. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã xác định: “Nâng cao vai trò của văn hóa, nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách của con người Việt Nam, nhất là trong thế hệ trẻ. Bảo đảm quyền hưởng thụ, tự do sáng tạo trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật của mỗi người dân và cộng đồng”. Những quan điểm này đã cho thấy, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đến phát triển các loại hình văn học nghệ thuật và xuất bản phẩm.

Với phương châm xây dựng một nước Việt Nam có nền văn hóa tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc; hàng chục năm qua, Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo các cơ quan chức năng ngành văn hóa và các địa phương tăng cường tổ chức sáng tác, quảng bá các hoạt động văn học nghệ thuật và xuất bản phẩm. Một mặt vừa tạo điều kiện để phục dựng các loại hình văn học nghệ thuật truyền thống, một mặt vừa chỉ đạo các cấp, ngành mở các cuộc thi sáng tác các tác phẩm nghệ thuật, phục vụ nhân dân hướng tới chân-thiện-mỹ. Điều đó đã chứng tỏ, sự chủ động của Đảng ta trong nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân là không thể phủ nhận.

Đứng trước những hành động “xâm lược” bằng văn hóa của các thế lực thù địch, mỗi chúng ta cần giữ vững niềm tin, tự xây dựng cho mình bản lĩnh chính trị vững vàng, không bị lung lay, dao động tư tưởng. Tiếp nhận những tác phẩm văn học nghệ thuật một cách cẩn thận, chọn lọc để không bị mắc vào âm mưu của các thế lực thù địch. Tăng cường tuyên truyền, bồi dưỡng cho giới trẻ hiểu đúng, hiểu kỹ về lịch sử dựng nước và giữ nước. Kiên quyết chống lại hiện tượng làm méo mó những tác phẩm văn học nghệ thuật đã gắn với lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc cũng như lịch sử cách mạng vì các mục đích cá nhân hoặc mục đích thương mại.

Đồng thời có các biện pháp xử lý kiên quyết với những cá nhân có hành vi, hành động tuyên truyền tác phẩm văn học nghệ thuật và xuất bản phẩm trái với chủ trương, đường lối của Đảng, xuyên tạc lịch sử… để cái chân, cái thiện và giá trị thẩm mỹ của các loại hình văn học nghệ thuật đến được với nhân dân.

Mạnh Thắng

Tin cùng chuyên mục

Vạch trần luận điệu xuyên tạc về “Bộ đội Cụ Hồ”

Tinh gọn bộ máy: Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng

Đảng bộ Tổng công ty Điện lực – TKV: Phát huy vai trò lãnh đạo thống nhất, toàn diện

Giá trị trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh: Từ bình dân học vụ đến bình dân học vụ số

Lật tẩy chiêu bài bịa đặt từ 'cờ vàng 3 sọc đỏ' của tổ chức khủng bố Việt Tân

Việt Tân lại ‘ếch ngồi đáy giếng’ xuyên tạc về nhập khẩu điện

Chuyển đổi số với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Vùng 3 Hải quân bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo

Tinh gọn bộ máy: Không chờ hoàn chỉnh rồi mới hoàn thiện

Thắng 'giặc nội xâm' để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Không thể phủ nhận giá trị vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc: Kỳ 3: Khát vọng hùng cường, thịnh vượng

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc: Kỳ 2: Khai mở dư địa tiềm năng

“Đúng - Trúng - Hay” trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 5: Diễn đàn dân chủ

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc

“Đúng - Trúng - Hay” trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 4: Chi bộ tiên phong

''Đúng - Trúng - Hay'' trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 3: ''Thành quả'' thiết thực từ sinh hoạt chuyên đề

Bài 2: Tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Đúng - Trúng - Hay”

“Đúng - Trúng - Hay” trong sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ EVNICT - Bài 1: Nâng “chất” sinh hoạt chi bộ hàng tháng

Đường Hồ Chí Minh trên biển: Kỳ tích làm nên huyền thoại