Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đảm bảo nguồn cung hàng hóa Tết
Không để thiếu hụt hàng
Theo Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của cả nước trong 11 tháng năm 2020 đạt 4.590.702 tỷ đồng, tăng 2,03% so với cùng kỳ, trong đó bán lẻ hàng hóa tăng 6,22% với sự tăng trưởng của nhóm hàng hóa thiết yếu. Dự báo, giai đoạn cuối năm, Tết Dương lịch, thị trường hàng hóa sẽ sôi động hơn bởi người dân tin tưởng vào sự phục hồi kinh tế.
Nguồn hàng được các kênh phân phối chuẩn bị đầy đủ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 |
Với dự báo trên, Bộ Công Thương đã chỉ đạo ngành Công Thương các địa phương có kế hoạch cung ứng hàng hóa ổn định nhằm đảm bảo nhu cầu mua sắm cuối năm cho người dân; đồng thời triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại; phối hợp với các địa phương triển khai kích cầu nội địa để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.
Theo đó, nhiều địa phương tại khu vực ĐBSCL đã có kế hoạch chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng để phục vụ nhu cầu mua sắm dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Tại Kiên Giang, Sở Công Thương dự kiến tổng lượng hàng hóa tiêu dùng trong dịp Tết năm nay là 51.500 tấn hàng hóa các loại, với tổng trị giá hơn 2.315 tỷ đồng (tăng khoảng 6,73% so với cùng kỳ).
Tương tự, tại Tiền Giang, UBND tỉnh Tiền Giang vừa ban hành Kế hoạch 325 về dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Theo kế hoạch, các DN, HTX thực hiện việc dự trữ, cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 với tổng trị giá vốn hơn 443,6 tỷ đồng, trong đó hàng hóa thiết yếu hơn 98,4 tỷ đồng (chủ yếu là gạo, đường, dầu ăn, bột nêm, thịt gia súc và gia cầm…).
Đại diện Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết, kế hoạch bình ổn thị trường cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 đã được đơn vị xây dựng và triển khai trên địa bàn. Năm nay, An Giang có 22 DN đăng ký 430 điểm bán hàng bình ổn, trong đó có 7 siêu thị, 54 cửa hàng Bách Hóa Xanh, 20 cửa hàng Vinmart+, 6 cửa hàng của 4 DN kinh doanh gạo và 343 cửa hàng xăng dầu, gas của 9 DN tham gia. Các mặt hàng thiết yếu như gạo, sản phẩm đóng hộp, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, mì gói, đường, sữa... nguồn hàng đã được chuẩn bị dồi dào và giá bán hợp lý.
Đảm bảo nguồn cung, giá cả hợp lý
Liên quan đến việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ cuối năm, ông Tô Nguyễn Kiều Trinh - Giám đốc thu mua của hệ thống Big C - cho biết, từ tháng 10 trở lại đây, sức mua và lượng tiêu thụ đã tăng trở lại. Dự báo, Tết Tân Sửu 2021, sức mua tại Big C tăng mạnh 30 - 40%. Do đó, để cung ứng, siêu thị cũng phải đặt lượng hàng nhiều hơn. Hiện nay, siêu thị đang tìm thêm nhiều nguồn hàng từ các địa phương, đặc biệt là những đặc sản vùng miền.
Trong khi đó, tại hệ thống siêu thị Co.op mart khu vực miền Tây, hiện các mặt hàng tiêu dùng cũng đã được siêu thị này lên kế hoạch cung ứng, dự trữ. Ông Nguyễn Văn Võ - Giám đốc Co.opmart Cai Lậy (Tiền Giang) - cho biết, đơn vị đang phối hợp với các nhà cung cấp để chuẩn bị hàng hóa theo kế hoạch chung về dự trữ, cung ứng hàng hóa mà siêu thị đã đăng ký với Sở Công Thương. Theo dự kiến, khoảng 1 tháng nữa nguồn hàng dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán sẽ có mặt trong chuỗi kinh doanh của siêu thị. Cũng theo ông Võ, năm nay khả năng tăng giá có thể xảy ra ở nhóm thịt gia súc, gia cầm do nguồn cung giảm. Tuy nhiên, hiện nguồn cung trong hệ thống Saigon Co.op đảm bảo dồi dào, không có biến động trong dịp Tết.
Đối với mặt hàng gạo, ông Lê Thanh Kiêm - Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang - khẳng định: Công ty đã thực hiện dự trữ hàng hóa. Dự kiến thời gian thu hoạch sớm vụ đông xuân năm 2020 - 2021 trùng với Tết Nguyên đán nên sản lượng gạo hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng.