Chủ nhật 19/05/2024 15:45

Bình Thuận cung cấp ổn định 550.000 tấn thanh long một năm

Đến năm 2030, diện tích cây thanh long toàn tỉnh Bình Thuận ổn định khoảng 25.000 ha, năng suất bình quân đạt 22 tấn/ha, sản lượng đạt 550.000 tấn/năm.
Quảng bá thanh long Bình Thuận tại thị trường trọng điểm Thanh long Việt đối diện với nhiều thách thức từ thị trường

UBND tỉnh Bình Thuận vừa có quyết định phê duyệt Đề án phát triển bền vững cây thanh long đến năm 2030. Theo đó, thanh long được xác định là một trong những cây trồng lợi thế đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, diện tích cây thanh long toàn tỉnh ổn định khoảng 25.000 ha, năng suất bình quân đạt 22 tấn/ha, sản lượng đạt 550.000 tấn/năm. Tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt khoảng 70%. Tỷ lệ diện tích cây thanh long áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP và tương đương) đạt khoảng 70 - 75% so với tổng diện tích. Tỷ lệ diện tích cây thanh long áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt GlobalGAP đạt khoảng 10% so với tổng diện tích…

Bình Thuận cung cấp ổn định 550.000 tấn thanh long một năm
Thanh long được xác định là một trong những cây trồng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh Bình Thuận

Thanh long Bình Thuận được tiêu thụ ở hai hình thức là nội địa và xuất khẩu. Thị trường nội địa tiêu thụ khoảng 15% tổng sản lượng, còn lại khoảng 85% được xuất khẩu. Trong số xuất khẩu có khoảng 2 - 3% xuất khẩu chính ngạch, còn lại được mua bán theo hình thức biên mậu, chủ yếu xuất qua thị trường Trung Quốc.

Được biết thị trường xuất khẩu chính ngạch của thanh long Bình Thuận hiện nay là châu Á (chiếm tỷ trọng khoảng 75% về sản lượng), bao gồm: Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Philippines, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Indonesia, Qatar, Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất… Trong khi thị trường châu Âu (chiếm tỷ trọng khoảng 8%) có Đức, Hà Lan, Nga, Tây Ban Nha, còn thị trường châu Mỹ (chiếm tỷ trọng khoảng 15%) là Canada, Mỹ và thị trường châu Đại Dương (chiếm tỷ trọng không đáng kể) chủ yếu tiêu thụ tại Úc, New Zealand… Đối với Nhật Bản, hiện nay thanh long Bình Thuận đã được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý thành công và là bước đầu tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm đặc trưng của địa phương đến với thị trường này.

Nhìn tổng thể, thanh long Bình Thuận được tiêu thụ dưới hình thức xuất khẩu tiểu ngạch vẫn chiếm phần lớn về sản lượng (khoảng từ 70 - 80%), theo đó được doanh nghiệp, cơ sở, hộ kinh doanh thu mua, vận chuyển ra các cửa khẩu phía Bắc để xuất sang Trung Quốc. Chủ yếu thông qua các cặp cửa khẩu: Tân Thanh (Lạng Sơn) - Pò Chài (Quảng Tây, Trung Quốc), Kim Thành (Lào Cai) - Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc), Thanh Thủy (Hà Giang) - Thiên Bảo (Vân Nam, Trung Quốc), Móng Cái (Quảng Ninh) - Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc).

Trong giai đoạn 2016 - 2022, các doanh nghiệp của tỉnh đã xuất khẩu chính ngạch đạt gần 53 triệu USD, tương đương với 43.748 tấn. Đồng thời, theo số liệu tổng hợp của Sở Công Thương, giai đoạn 2016 - 2022, giá trị xuất khẩu biên mậu đã đóng góp cho tỉnh 2.637 triệu USD, bình quân khoảng 376,7 triệu USD/năm.

Tuy nhiên, thời gian qua do ảnh hưởng của nhiều yếu tố nên có thời điểm xuất khẩu thanh long gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2021 đến nay, người trồng thanh long đã phá bỏ và không chăm sóc một số diện tích thanh long.

Hiện nay, việc sản xuất thanh long tồn tại một số hạn chế như quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; vùng sản xuất quy mô lớn chưa được nhiều; khâu bảo quản chế biến còn yếu...

Ngoài ra, thời gian qua diện tích trồng thanh long trên thế giới có chiều hướng tăng, đặc biệt là ở Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Mexico.

Một trong những mục tiêu tổng quát của đề án nhằm ổn định diện tích thanh long, thay thế vườn thanh long già cỗi, năng suất, chất lượng thấp; phát triển thanh long theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, sinh thái…

Đối với thị trường tiêu thụ trong nước, đa dạng hóa các kênh phân phối cả truyền thống và hiện đại, tạo thuận lợi, dễ dàng cho du khách, người tiêu dùng tiếp cận.

Đối với thị trường ngoài nước cần củng cố, mở rộng các thị trường xuất khẩu truyền thống hiện có. Đồng thời, tăng cường công tác xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập và mở thêm các thị trường mới, thị trường tiềm năng để tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, nâng tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường: Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand và châu Âu.

Tin khác

Phiên bản di động