Bầu cử Mỹ 2024: Các vấn đề đối nội trở thành vũ khí
Theo bài viết trên trang web của Hội đồng Ấn Độ về các vấn đề quốc tế (ICWA), những thách thức về mặt pháp lý, vụ ám sát hụt cựu Tổng thống Donald Trump, Tổng thống Joe Biden rút lui khỏi cuộc chạy đua tranh cử và việc Phó Tổng thống Kamala Harris giành được đề cử của đảng Dân chủ cho vị trí ứng viên Tổng thống đã định hình cuộc đua hướng tới kỳ bầu cử Mỹ 2024.
Với những lá phiếu bỏ sớm tại một số bang chiến trường, hai ứng cử viên đang tăng cường tiếp cận cử tri vào phút chót. Khi hai ứng cử viên xúc tiến những nỗ lực cuối cùng để vạch ra chính sách với cử tri Mỹ trước ngày bỏ phiếu 5/11, rõ ràng là quỹ đạo tương lai không chỉ của chính sách đối ngoại Mỹ mà cả hướng đi của một số vấn đề đối nội quan trọng đều có khả năng thay đổi tùy thuộc vào ứng cử viên nào sẽ giành được Nhà Trắng.
Cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris. Ảnh: AP |
Các cuộc thăm dò cho thấy đây sẽ là cuộc đua sít sao. Cuộc tranh luận đầu tiên và duy nhất giữa Phó Tổng thống Harris và cựu Tổng thống /chu-de/donald-trump.topic đã tạo cho họ không gian để trả lời câu hỏi, phản bác và giải thích hoặc phản hồi về lập trường chính sách. Tuy nhiên, khi cả hai ứng cử viên tiếp tục bám đuổi nhau trong các cuộc thăm dò ý kiến, cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn còn vẫn chưa ngã ngũ.
Theo các cuộc khảo sát, hầu hết người Mỹ đang theo sát cuộc bầu cử và có ý định bỏ phiếu. Rõ ràng là trong khi các vấn đề chính sách đối ngoại là yếu tố khiến cử tri quan tâm, thì các vấn đề trong nước sẽ giúp quyết định ai là Tổng thống tiếp theo của Mỹ. Dữ liệu cho thấy, kinh tế, nhập cư, khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng, nhà ở, ... là những vấn đề nổi bật nhất đối với cử tri Mỹ. Đảng Cộng hòa tập trung vào lạm phát và tình hình kinh tế, trong khi đảng Dân chủ nhấn mạnh vào quyền phá thai và khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ. Cả hai đảng đều vạch ra kế hoạch giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư đang gia tăng ở Mỹ.
Kinh tế và thuế
Nền kinh tế từ lâu đã là ưu tiên của cử tri Mỹ và vẫn như vậy cho đến ngày nay. Theo cuộc thăm dò của Pew Research, khi những lo ngại về tình hình kinh tế và lạm phát vẫn tiếp diễn, 81% cử tri cho biết nền kinh tế là yếu tố rất quan trọng chi phối lá phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024.
Theo các báo cáo, một nhóm phi đảng phái tập trung vào tình hình tài khóa của Mỹ, Tổng thống tiếp theo sẽ phải đối mặt với những thách thức tài chính đáng chú ý như mức nợ kỷ lục, thâm hụt cơ cấu lớn, thanh toán lãi suất tăng vọt và nguy cơ phá sản của các chương trình quỹ tín thác quan trọng.
Không ai trong số 2 ứng cử viên nêu rõ kế hoạch giảm nợ quốc gia, trong khi đây là mối quan tâm ngày càng lớn vì nền kinh tế Mỹ gắn liền với nền kinh tế toàn cầu và bất kỳ sự suy thoái nào cũng sẽ có tác động toàn cầu.
Phó Tổng thống Harris nhấn mạnh, việc kích thích nền kinh tế tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ và lĩnh vực sản xuất. Để giảm bớt gánh nặng cho các gia đình, bà tuyên bố sẽ tăng chi tiêu ngân sách cho hỗ trợ chăm sóc trẻ em và giáo dục, cũng như tăng hỗ trợ cho lĩnh vực nhà ở và y tế.
Bà cũng sẽ duy trì những nỗ lực của chính quyền hiện tại nhằm giảm chi phí thuốc theo toa. Để giảm lạm phát thực phẩm, bà đề xuất cấm tăng giá đột biến đối với thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu. Để giúp bù đắp chi phí cho kế hoạch, Phó Tổng thống Harris đề xuất tăng thuế đối với các tập đoàn và hộ gia đình có thu nhập cao, đồng thời giảm giá thuốc theo toa.
Trong khi đó, cựu Tổng thống Trump đề xuất giảm thuế doanh nghiệp đối với sản xuất trong nước, miễn tính thuế với nhiều loại thu nhập và bãi bỏ cơ chế tín dụng thuế năng lượng xanh. Ông tuyên bố sẽ bù đắp những khoản cắt giảm đó nhờ thúc đẩy tăng trưởng và đánh thuế hàng nhập khẩu. Ông đề xuất mức thuế quan mới từ 10-20% đối với hầu hết hàng hóa nước ngoài và mức thuế cao hơn nhiều đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Ông Trung cũng nhấn mạnh, sẽ giảm nhập cư bất hợp pháp, vốn là gánh nặng với nền kinh tế Mỹ.
Nhập cư và an ninh biên giới
Nhập cư và an ninh biên giới đã trở thành vấn đề then chốt trong cuộc bầu cử Mỹ. 61% cử tri cho biết, vấn đề nhập cư có ý nghĩa rất quan trọng đối với quyết định bỏ phiếu, tăng 9% so với cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 và cao hơn 13% so với kết quả quan sát trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2022. Tình trạng gia tăng nhập cư bất hợp pháp, hạn chế về nguồn lực, hệ thống nhập cư quá tải và dư luận chia rẽ đã dẫn đến lời kêu gọi cải cách bên trong hệ thống. Cả hai đảng đều thừa nhận thực tế là hệ thống nhập cư đang quá tải và cần được cải cách.
Phân bổ phiếu đại cử tri năm 2024. (Màu nâu xám là các bang dao động, độ đậm nhạt các màu xanh-đỏ tương ứng với mức độ nghiêng về đảng Dân chủ-Cộng hòa). Ảnh: AP |
Tuy nhiên, họ lại chia rẽ về cách giải quyết cuộc khủng hoảng. Những bất đồng về vấn đề này đã khiến các dự luật tại Quốc hội Mỹ bị đình trệ, bao gồm cả các dự luật quan trọng trong chính sách đối ngoại như viện trợ cho Ukraine. Vấn đề này đã trở nên nổi bật trong chiến dịch của đảng Cộng hòa, khi đảng này liên hệ vấn đề nhập cư bất hợp pháp gia tăng với tội phạm gia tăng và tình trạng kinh tế yếu kém. Họ tuyên bố, các chính sách khoan hồng của Chính quyền ông Biden đã tạo điều kiện cho các cuộc vượt biên trái phép gia tăng, nêu bật sự thiếu thốn nguồn lực biên giới và tình trạng quá tải của các trung tâm giam giữ.
Cựu Tổng thống Trump nhắc lại kế hoạch trục xuất hàng loạt người di cư không có giấy tờ. Tuy nhiên, không giống như lần tranh cử đầu tiên, ông tuyên bố sẽ tận dụng lực lượng Vệ binh quốc gia để thực hiện chính sách này. Ông cũng tuyên bố sẽ chấm dứt việc cấp quyền công dân theo nơi sinh đối với những người sinh ra tại Mỹ có cha mẹ lưu trú bất hợp pháp trong nước.
Trong chuyến thăm biên giới để vận động tranh cử, Phó Tổng thống Harris cho biết, bà muốn xây dựng một hệ thống tị nạn giúp bảo vệ biên giới, an toàn và nhân đạo. Bà khẳng định sẽ nỗ lực hạn chế các yêu cầu tị nạn và mở rộng hơn nữa những hạn chế mà Chính quyền ông Biden đã đưa ra.
Đồng thời, bà ủng hộ một cuộc cải cách toàn diện về nhập cư, tìm kiếm con đường trở thành công dân cho những người nhập cư vào Mỹ mà không có tư cách pháp lý, đẩy nhanh quá trình xử lý đối với những người đến Mỹ bất hợp pháp khi còn là trẻ vị thành niên. Nhập cư và an ninh biên giới là những vấn đề hàng đầu ở Arizona, bang chiến trường duy nhất giáp với Mexico và cũng là bang phải đối mặt với dòng người xin tị nạn kỷ lục trong năm 2023.
Quyền phá thai
Sau quyết định của Tòa án tối cao lật ngược phán quyết “Roe kiện Wade” năm 2022, nhiều người đã thay đổi quan điểm về tầm quan trọng của việc phá thai như một vấn đề tranh cử. Phá thai là vấn đề hàng đầu trong cuộc bầu cử năm 2024 khi ngày càng nhiều cử tri ở các bang dao động lưu ý vấn đề này khi quyết định bỏ phiếu.
Ngày 3/9, Phó Tổng thống Harris bắt đầu chuyến vận động tranh cử bằng xe buýt với chủ đề "Đấu tranh cho tự do sinh sản" tại Florida, bang mà đảng Dân chủ đã thua trong 2 cuộc bầu cử Tổng thống gần đây nhất nhưng lại đưa vấn đề phá thai vào cuộc bỏ phiếu năm nay. Đối với đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Harris nhắc lại lập trường cho phép phụ nữ đưa ra lựa chọn về cơ thể họ và được tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế trong nhiều bài phát biểu vận động tranh cử, bao gồm cả trong cuộc tranh luận với cựu Tổng thống Trump.
Trong khi đảng Cộng hòa từ lâu đã kêu gọi hạn chế phá thai và ủng hộ việc để các bang ra quyết định chứ không phải chính quyền liên bang. Kể từ năm 2022, 14 bang đã áp dụng lệnh cấm phá thai và nhiều bang đặt ra giới hạn sớm cho thủ thuật này. Cuộc thảo luận xung quanh việc hạn chế phá thai đã mở rộng sang thụ tinh trong ống nghiệm và biện pháp tránh thai.
Ông Trump được ghi nhận là người lật ngược phán quyết "Roe kiện Wade", nhưng khi đảng này nhận thấy phần lớn người Mỹ ủng hộ phá thai hợp pháp và các quan điểm ủng hộ quyền sinh sản giành được sự ủng hộ trên lá phiếu, đảng này đang cố gắng tìm ra một lập trường trung dung có thể giúp họ nhận được sự ủng hộ từ những cử tri chưa quyết định.
Ở một số bang dao động như Georgia và Arizona, những bang rất quan trọng đối với cuộc bầu cử Tổng thống, câu hỏi về cách các bang quản lý phá thai hợp pháp đã trở thành vấn đề sẽ tác động đến lá phiếu của cử tri. Mặc dù hai đảng lớn đã tuyên bố lập trường của mình về vấn đề phá thai, nhưng vẫn có những ý kiến khác nhau từ cả hai đảng về cách tiếp cận thỏa đáng nhất đối với vấn đề này. Quyền phá thai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cử tri nữ, bao gồm cả phụ nữ trẻ. Hai ứng cử viên đang cố gắng hết sức để tiếp cận tầng lớp này không chỉ nhằm giải thích với họ về lập trường của mình mà còn nhằm lắng nghe nguyện vọng của cử tri.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 được ấn định vào thứ ba, ngày 5/11. Trong ngày bầu cử, cử tri nước Mỹ sẽ đi bỏ phiếu bầu cử Tổng thống và Phó Tổng thống mới. Khoảng 1/3 thượng nghị sĩ và 435 thành viên Hạ viện Mỹ cũng sẽ được bầu chọn trong ngày đặc biệt này. |