Bảo tàng Hồ Chí Minh: “Địa chỉ đỏ” giữa lòng thủ đô
Bảo tồn di sản Hồ Chí Minh
Bảo tàng Hồ Chí Minh là bảo tàng đứng đầu trong hệ thống các bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cả nước, góp phần kết nối thông tin, tư liệu và các hiện vật về Bác Hồ cho các đơn vị trong toàn hệ thống. Bảo tàng gồm 4 tầng với diện tích 20.000m², trong đó tầng 3 là nơi trưng bày cố định rộng 4.000m², hai gian triển lãm ở tầng 2 rộng 600m². Toàn bộ hiện vật, tài liệu, tranh ảnh được trưng bày tại Bảo tàng là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, sự gắn kết hài hòa giữa cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc và thời đại, trong đó những cống hiến lớn lao của Người được thể hiện ở vị trí trung tâm và đậm nét nhất. Với 8 chủ đề lớn, các hình ảnh, hiện vật kết hợp với giải pháp trưng bày tinh tế, mang tính thẩm mỹ cao, giúp người xem hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi sinh ra đến lúc qua đời một cách sinh động, gần gũi.
Kho cơ sở với hơn 13 vạn tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh - là nơi cung cấp phần lớn tài liệu hiện vật cho các cuộc trưng bày, triển lãm của bảo tàng, của hệ thống các bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là địa chỉ vô cùng quan trọng giúp các cơ quan, trường học, cá nhân trong và ngoài nước có nhu cầu nghiên cứu tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó cũng là tài sản vô giá của quốc gia, là di sản về đạo đức và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người, là cơ sở vật chất quan trọng nhất để Bảo tàng Hồ Chí Minh hoạt động.
“Địa chỉ đỏ” trong giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh
Theo ước tính, mỗi năm Bảo tàng đón tiếp trung bình hơn 1 triệu lượt khách tham quan, trong đó có hàng trăm nghìn lượt khách quốc tế đến từ khắp các châu lục. Nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu khoa học cũng như giáo dục tư tưởng của các tầng lớp nhân dân Việt Nam và du khách, những năm qua, Bảo tàng đã có nhiều đổi mới trong trưng bày, triển lãm cũng như cách thức hoạt động.
Hệ thống trưng bày luôn được thay thế, bổ sung thêm tài liệu, ảnh và hiện vật để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách tham quan. Trong đó, Bảo tàng đã và đang áp dụng các thành tựu mới về hệ thống chiếu sáng, lắp đặt thêm các màn hình cảm ứng để trưng bày các chủ đề mang tính chuyên sâu, triển khai hoạt động tại không gian khám phá với chủ đề “Bác Hồ của chúng em” nhằm phục vụ đối tượng là học sinh phổ thông. Từ năm 1990 đến nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức hàng trăm triển lãm chuyên đề, trưng bày tại Bảo tàng, ở các địa phương và một số quốc gia. Các triển lãm không chỉ bổ sung, làm sáng tỏ tư tưởng Hồ Chí Minh về nhiều vấn đề, làm rõ một số giai đoạn trong thời kỳ hoạt động bí mật của Người mà còn phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, những ngày kỷ niệm lớn của dân tộc…
Bảo tàng là địa chỉ quen thuộc của bạn bè quốc tế khi đến với Thủ đô Hà Nội |
Bên cạnh đó, công tác quảng bá đã đạt được những kết quả tích cực trong việc giới thiệu về Bảo tàng trên các phương tiện truyền thông và kết nối với các công ty du lịch nhằm thu hút khách đến Bảo tàng. Bước đầu đã triển khai tuyến tham quan phục vụ khách theo hành trình: Bảo tàng- Lăng- Nhà sàn, phục vụ được hơn 200 khách theo hành trình này. Theo đánh giá từ các công ty du lịch lữ hành, thông qua khảo sát tại các nước, Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện đang được xếp thứ 20 trong danh mục các điểm đến du lịch hấp dẫn tại Việt Nam.
Đặc biệt Bảo tàng còn là “địa chỉ đỏ” nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, tìm hiểu của người dân cả nước trong Cuộc vận động “Học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Chỉ tính riêng năm 2015, Bảo tàng đã phục vụ 20.635 người đến từ các trường đại học, cao đẳng, học viện, trung tâm chính trị, các cơ quan đoàn thể… nghiên cứu, học tập tấm gương đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh; tổ chức 10 cuộc nói chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh; phục vụ 29 đoàn phóng viên truyền hình, báo chí quay phim, chụp ảnh tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng nội dung triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” nhân dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2015). Những hoạt động trên đã góp phần quan trọng vào quá trình tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đồng thời góp phần vào công tác giáo dục tư tưởng cho các lớp thanh thiếu niên hiện nay.
Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong giáo dục hệ tư tưởng cho các tầng lớp thanh thiếu niên, Bảo tàng còn là địa chỉ quen thuộc của bạn bè quốc tế khi đến với Thủ đô Hà Nội. Ngay từ khi mới thành lập, Bảo tàng đã luôn chủ động tăng cường công tác đối ngoại, hợp tác với nhiều bảo tàng khác trên thế giới như: Bảo tàng Trung ương Lênin (Nga), Bảo tàng quốc gia Đimitorốp (Bungari) và sau này là với các bảo tàng của Trung Quốc, Lào, Pháp, Thái Lan… để phối hợp nghiên cứu và bảo tồn các di tích Bác Hồ đã từng sống và hoạt động cách mạng trước đây.
Theo năm tháng, hoạt động đối ngoại của Bảo tàng Hồ Chí Minh ngày càng được mở rộng, một mặt do sự phấn đấu nỗ lực của các cán bộ, nhân viên Bảo tàng Hồ Chí Minh, mặt khác nhờ sự hợp tác với các cơ quan, nhà khoa học, các tổ chức chính trị, cùng với sự đóng góp, ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Mở rộng và tăng cường đối ngoại là để trưởng thành, lớn mạnh, xứng đáng với tầm vóc Bảo tàng lãnh tụ Hồ Chí Minh trong trái tim bạn bè quốc tế.
Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong giáo dục hệ tư tưởng cho các tầng lớp thanh thiếu niên, Bảo tàng Hồ Chí Minh còn là địa chỉ quen thuộc của bạn bè quốc tế khi đến với Thủ đô Hà Nội. |