07:00 | 13/05/2025
Cơ chế EPR và kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong thu gom, tái chế nhựa Hưng Yên: Nỗi lo về môi trường tại ngôi làng ''tỷ phú'' Thế nào là nhựa an toàn với sức khỏe? |
Sản xuất nhựa và công nghệ tái chế tiên tiến tiếp tục mở rộng, lượng rác thải phát sinh cũng gia tăng theo. Cùng lúc đó, dư luận đang ngày càng soi xét kỹ hơn các nhà sản xuất nhựa, buộc họ phải đối mặt với các vấn đề ngày một nghiêm trọng về tái chế và ô nhiễm từ các bãi rác địa phương đến tận những vùng biển xa xôi.
Tiến sĩ Davis Allen, nhà nghiên cứu cấp cao tại trung tâm nghiên cứu khí hậu Center for Climate Integrity tại Mỹ đã lên tiếng cảnh báo về việc các nhà sản xuất nhựa đang quảng bá một hình thức tái chế mới.
Một số công ty hóa dầu gọi đây là "tái chế tiên tiến", như một giải pháp nhanh chóng cho lượng rác thải nhựa đang chất đống. Dưới đây là những thông tin liên quan đến vấn đề này theo các thông tin do tổ chức Earth đăng tải trên trang chủ.
![]() |
Công nghệ tái chế nhựa theo cách nhiệt phân đang gây tranh cãi đối với cộng đồng nhà khoa học. Ảnh: Earth.com |
Công nghệ tái chế nhựa tiên tiến không hề mới
Nhiều quảng cáo cho rằng, tái chế tiên tiến có thể xử lý lượng lớn nhựa khó tái chế. Họ mô tả các quy trình sử dụng nhiệt hoặc hóa chất để biến bao bì cũ thành vật liệu mới. Tuy nhiên, thực tế là các phương pháp hóa học này đã xuất hiện từ những năm 1970 và liên tục vấp phải trở ngại lớn.
Các chuyên gia khoa học và hoạch định chính sách đã chỉ ra rằng công nghệ tái chế tiên tiến không xử lý nhựa hiệu quả như lời quảng cáo.
Một báo cáo năm 2022 của Reuters ghi nhận nhiều nhà máy áp dụng công nghệ này đã thất bại, chậm tiến độ hoặc không bao giờ hoạt động. Một nghiên cứu khác của hãng McKinsey & Company cũng chỉ ra rằng chi phí cao là rào cản khiến các công nghệ này khó mở rộng quy mô.
“Mối lo ngại của các nhà phê bình là có cơ sở”, một chuyên gia tư vấn nhận định. Phần lớn công nghệ tái chế tiên tiến đòi hỏi đầu vào là nhựa sạch và đồng nhất, tức phải được thu gom, phân loại và làm sạch kỹ càng.
Nhựa lẫn lộn hoặc dính thực phẩm làm tăng chi phí xử lý, điều mà ít công ty có thể chấp nhận lâu dài. Thêm vào đó, một phần lớn sản phẩm đầu ra không phải nhựa mới mà là nhiên liệu hoặc sáp.
Các chuyên gia từ Phòng thí nghiệm Năng lượng Tái tạo Quốc gia Mỹ cho biết, công nghệ nhiệt phân và khí hóa thường chỉ chuyển đổi được một phần nhỏ nhựa đầu vào thành nguyên liệu sản xuất mới. Điều này đi ngược với ý tưởng về một vòng tuần hoàn thực sự, nơi một món đồ nhựa cũ trở thành một sản phẩm mới mà không để lại rác thải.
Thay đổi thật sự đang bị đình trệ
Một số nhà sản xuất cho rằng, các dự án tái chế tiên tiến có thể giúp giảm khí thải gây nóng lên toàn cầu hoặc làm sạch môi trường. Nhưng theo một phân tích của tổ chức môi trường GAIA, nhiều dự án loại này lại phát sinh khí thải độc hại, nhất là khi có bước đốt. Vì tiêu tốn nhiều năng lượng, tổng lượng phát thải từ quy trình này có thể rất lớn, làm dấy lên nghi ngờ về lợi ích môi trường thực sự.
Trong khi đó, nhiều lãnh đạo địa phương lo ngại vì thiếu dữ liệu công khai về hiệu quả thực tế của các dự án này. Họ sợ rằng lời hứa từ công nghệ tiên tiến sẽ trì hoãn những biện pháp hữu hiệu hơn như thiết kế bao bì đơn giản hay quy định thu gom chặt chẽ.
Một báo cáo năm 2023 của Bain & Company cảnh báo việc quá tập trung vào tái chế hóa học có thể cản trở sự phát triển của các giải pháp cơ học và cắt giảm bao bì.
Tái chế có tạo được kinh tế tuần hoàn?
Một số quảng cáo gọi tái chế tiên tiến là con đường đến “tuần hoàn”, ám chỉ chu trình tái sử dụng không hồi kết. Điều này chỉ đúng nếu đầu ra thực sự được đưa trở lại sản xuất nhựa mới. Nhưng trên thực tế, chỉ có một phần rất nhỏ lượng carbon thu hồi được dùng để tạo ra nhựa mới, phần lớn còn lại bị đốt thành nhiên liệu hoặc mất mát trong quá trình xử lý.
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng một nền kinh tế tuần hoàn thực sự cần giảm thiểu sử dụng nguyên liệu mới ngay từ đầu. Họ cho rằng, các nỗ lực tái chế tiên tiến chỉ có ý nghĩa nếu phần lớn nhựa đã được thu gom bằng các hệ thống tái chế cơ học, điều hiện chưa đạt được ở quy mô lớn.
Nếu không cải thiện đáng kể khâu thu gom và phân loại, những quy trình tái chế hiện đại này khó có thể xử lý hàng tỷ tấn nhựa vẫn còn trôi nổi trên bãi rác, sông và đại dương.
Tương lai của tái chế nhựa
Một số chuyên gia cho rằng, các phương pháp hóa học có thể phù hợp với một số loại nhựa đặc thù. Tuy nhiên, tái chế cơ học vẫn sẽ chiếm ưu thế trong hầu hết các chương trình địa phương.
Việc kết hợp giữa thiết kế bao bì tốt hơn, hệ thống thu gom hiệu quả và nâng cao nhận thức người tiêu dùng có thể mang lại hiệu quả cao hơn so với một công nghệ còn nhiều khó khăn trong triển khai thực tế.
Tất cả những điều này đang đặt ra nhiều vấn đề cho các nhà hoạch định chính sách. Nếu không có quy định nghiêm ngặt và dữ liệu công khai, rất khó để kiểm chứng liệu tái chế tiên tiến có đúng như lời hứa.
Theo nhận định của một số chuyên gia tại Mỹ, việc tái chế vẫn có thể thành công với vài loại nhựa nhất định, nhưng đặt cược toàn bộ tương lai quản lý rác thải vào công nghệ này là quá mạo hiểm. Thực tế cho thấy, nếu các nhà sản xuất nhựa không chứng minh được hiệu quả ở quy mô thương mại, tái chế tiên tiến có nguy cơ trở thành một chiến dịch rỗng tuếch làm chậm lại những thay đổi đáng lẽ đã có thể diễn ra. |
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/dieu-it-nguoi-biet-ve-quang-cao-tai-che-nhua-tien-tien-387244.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.