Luật thuế 71: Thiệt hại lớn cho ngành phân bón Lệ thuộc nguồn cung bên ngoài, câu chuyện không chỉ với ngành phân bón |
"Hoá giải" điểm nghẽn
Trong gần một thập kỷ qua, ngành phân bón Việt Nam gặp không ít khó khăn do bất cập từ chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT) cũ. Ngày 26/11, Quốc hội đã bấm nút thông qua Luật thuế Giá trị gia tăng sửa đổi từ tháng 7/2025, phân bón chính thức chịu thuế VAT 5%, mở ra nhiều kỳ vọng về sự thay đổi lớn trong ngành phân bón nội địa.
Có thể nói, phân bón là loại vật tư nông nghiệp quan trọng số 1 đối với sản xuất nông nghiệp của nước ta, bởi chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá thành của trồng trọt, trong khi ngành trồng trọt hiện đang chiếm từ 64-68% trong tổng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp.
TS. Phùng Hà - Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam. Ảnh: VA |
Trao đổi với Báo Công Thương, TS. Phùng Hà - Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho hay, nhu cầu phân bón ở Việt Nam hiện nay vào khoảng 10,5 - 11 triệu tấn các loại. Trong đó: urea khoảng 1,6- 1,8 triệu tấn; DAP khoảng 0,9 đến 1 triệu tấn; SA 0,8 – 0,9 triệu tấn, Kali 0,9 – 1 triệu tấn, phân chứa lân các loại trên 1,2 triệu tấn, phân NPK khoảng 3,5- 4 triệu tấn...
Trong khi đó, năm 2022 Việt Nam nhập khẩu 3.39 triệu tấn, trị giá 1,62 tỷ USD phân bón các loại; năm 2023 nhập khẩu 4,12 triệu tấn, trị giá 1,41 tỷ USD; 6 tháng đầu năm 2024 nhập khẩu 2,5 triệu tấn phân bón, kim ngạch hơn 838 triệu USD.
Tuy nhiên, khi Luật Thuế 71/2014/QH13 (Luật Thuế 71) có hiệu lực từ ngày 01/01/2015, kể từ khi áp dụng Luật này, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước được miễn thuế VAT đầu ra từ năm 2015 nhưng các nguyên liệu đầu vào lại chịu thuế từ 5-10%. Điều này khiến chi phí sản xuất đội lên cao, đẩy giá phân bón nội địa vượt xa sản phẩm nhập khẩu và làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Nêu số liệu cụ thể, TS. Phùng Hà chỉ ra, các doanh nghiệp sản xuất phân bón của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (bao gồm các doanh nghiệp sản xuất urea, DAP, supe lân, lân nung chảy, NPK) không được khấu trừ khoảng 400-650 tỉ đồng mỗi năm. 2 doanh nghiệp sản xuất phân bón urea của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không được khấu trừ từ 500-650 tỉ đồng mỗi năm.
Thống kê của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho thấy, số thuế giá trị gia tăng không được khấu trừ tính vào chi phí của doanh nghiệp năm 2018 của một số đơn vị như sau: Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc trên 141 tỉ đồng, Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao 142 tỉ đồng, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình 113 tỉ đồng...
Số liệu của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo) cũng chỉ ra, khoản thuế VAT đầu vào của PVFCCo năm 2016 là 284 tỉ đồng, năm 2017 là 371 tỉ đồng, năm 2018 là 518 tỉ đồng, năm 2019 là 358 tỉ đồng, năm 2020 là 326 tỉ đồng.
Theo đó, ước tính quy mô ngành phân bón Việt Nam ở mức hàng trăm nghìn tỉ đồng/năm và tỷ lệ thuế toàn ngành không được khấu trừ ở mức 5% thì các đơn vị toàn ngành gánh chịu vài nghìn tỉ đồng/năm.
Nhiều phản ánh cho thấy, phân bón được chuyển sang diện không chịu thuế GTGT, Việt Nam bị thua thiệt cả ba nhà: Nhà nước bị mất thu ngân sách nhà nước mà vẫn không thể thực hiện được cơ chế hỗ trợ hợp pháp cho nông nghiệp để giảm giá bán trong nước khi giá phân bón thế giới tăng. Nhà nông không được hưởng lợi giảm giá, giảm chi phí đầu vào dù giá phân bón tăng hay giảm do doanh nghiệp phải hạch toán thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ đưa vào giá thành, cộng vào giá bán để bảo toàn vốn. Nhà sản xuất phân bón trong nước luôn bị yếu thế trong cạnh tranh với phân bón nhập khẩu trong cả 2 trường hợp phân bón thế giới tăng và giảm.
Do quy định phân bón không thuộc diện chịu thuế GTGT, nhiều trường hợp các doanh nghiệp phân bón vừa thực hiện xuất khẩu (để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào của lô hàng xuất khẩu theo quy định); đồng thời vừa phải nhập phân bón từ nước ngoài. Điều này sẽ tiếp tục xảy ra trong thời gian tới nếu như tiếp tục duy trì quy định hiện hành về thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón có thể dẫn tới tiềm ẩn rủi ro trong quản lý vĩ mô.
Quy định mặt hàng phân bón không chịu thuế GTGT, không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào được thực hiện đúng vào giai đoạn ngành phân bón thế giới rơi vào tình trạng cung vượt cầu, giá trên thị trường thế giới giảm mạnh làm cho doanh nghiệp sản xuất trong nước rất khó cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
Chính vì vậy, chính sách mới sẽ mang lại một cơ chế quan trọng: Khấu trừ thuế đầu vào, chi phí nguyên vật liệu chiếm từ 50-70% tổng chi phí sản xuất phân bón. Việc được hoàn thuế VAT đầu vào giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí, đồng thời tạo động lực để giảm giá bán, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Một số chuyên gia nhìn nhận, ngành phân bón đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp. Do vậy, cần có các chính sách thuế hỗ trợ phát triển ngành phân bón theo hướng phát triển bền vững, kết hợp hài hòa giữa các sắc thuế trực thu và gián thu trong hệ thống thuế như: Thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường, thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Hiện nay nhiều "cường quốc phân bón" trên thế giới đều áp dụng thuế VAT đối với ngành phân bón. Đơn cử, tại quốc gia sản xuất và tiêu thụ phân bón lớn nhất thế giới là Trung Quốc quốc hiện đang áp dụng thuế VAT ở mức 11% với phân bón. Đồng thời, nước này cũng ban hành một số chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp sản xuất phân bón, đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ, phân vi sinh, phân bón thân thiện với môi trường và những doanh nghiệp sản xuất phân bón đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển, hoặc sử dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất.
Tương tự, tại Nga - đất nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới, cũng đang áp dụng thuế VAT đối với ngành phân bón nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững.
Theo Khối nghiên cứu của Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS Research) với mức thuế GTGT 5%, Việt Nam sẽ đứng ở mức trung bình so với các quốc gia khác. Chẳng hạn, Trung Quốc áp thuế 13%, Nga dao động từ 12,5%-20%, trong khi Đức linh hoạt từ 7%-19% tùy loại phân bón. Brazil có mức thuế thấp hơn, từ 1% năm 2022 lên 4% năm 2025. Chính sách của Việt Nam vừa bảo vệ được sản xuất nội địa, vừa hạn chế tối đa tác động đến giá cả tiêu dùng.
Tạo “cục diện” tăng trưởng mới cho ngành phân bón
Chính sách thuế VAT 5% có thể trở thành một động lực mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng ngành phân bón. Mục tiêu dài hạn của chính sách này là thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao tính tự chủ cho ngành phân bón nội địa. Đây không chỉ là một lợi thế cho doanh nghiệp mà còn là một tin vui cho nông dân, khi họ có cơ hội tiếp cận phân bón chất lượng với giá hợp lý hơn.
Từ tháng 7/2025, phân bón chính thức chịu thuế VAT 5%, mở ra nhiều kỳ vọng về sự thay đổi lớn trong ngành phân bón nội địa. Ảnh: V.A |
TS Phùng Hà cũng đưa ra đánh giá, khi phân bón được áp thuế VAT 5%, cụ thể dựa trên số liệu từ báo cáo tài chính niêm yết của 9 công ty phân bón (Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ, Đạm Hà Bắc, DAP Hải Phòng, Phân bón Bình Điền, Supe Lâm Thao, Phân lân Văn Điển, Phân lân Ninh Bình, Phân bón miền Nam) với đại diện của các chủng loại phân bón (urea, DAP, lân, NPK) hiện đang chiếm thị phần khoảng 60% tổng sản lượng sản xuất trong nước, Dự án Tăng cường Năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam đã công bố nhiều con số chi tiết. Đó là, thuế VAT đầu vào sản xuất phân ure là 9,3%; NPK là 6,4%; phân DAP là 8,1% và phân lân là 7,7%, cụ thể:
Khi phân bón là đối tượng không chịu thuế VAT, giá vốn bao gồm cả phần thuế VAT đầu vào so với doanh thu chiếm 78%. Nhưng nếu phân bón là đối tượng chịu thuế VAT 5%, tỷ trọng giá vốn/doanh thu chỉ còn khoảng 71-73% (tùy từng loại phân bón).
Như vậy, nếu áp thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón, giá bán thành phẩm của phân ure có dư địa giảm 2%; phân DAP có dư địa giảm 1,13%; phân lân có dư địa giảm 0,87%. Riêng sản xuất phân NPK, giá bán thành phẩm có thể tăng 0,09%.
Với những doanh nghiệp nhập khẩu phân bón, giá bán sản phẩm có thể tăng 5%, do không có thuế đầu vào để khấu trừ.
Tuy nhiên, “tổng nhu cầu trong nước về phân bón vô cơ là khoảng 10 triệu tấn, trong đó, sản xuất nội địa đáp ứng được từ 6,5 - 7 triệu tấn, chiếm xấp xỉ 70% nhu cầu nên xét về tổng thể, nông dân và ngành trồng trọt vẫn có lợi khi thuế VAT với phân bón là 5%”.
Theo tính toán của Dự án đã nêu trên: Về phía Nhà nước, nếu áp dụng thuế VAT 5%, thu ngân sách sẽ tăng thêm 1.541 tỷ đồng, do thu thuế VAT đầu ra của phân bón lên tới 6.225 tỷ đồng và khấu trừ thuế VAT đầu vào là 4.713 tỷ đồng.
“Những số liệu và thông tin nêu trên cho thấy việc chuyển mặt hàng phân bón từ nhóm không chịu thuế VAT sang chịu thuế VAT với mức thuế 5% là hợp lý”- Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam bày tỏ.
Theo MBS Research, các doanh nghiệp sản xuất phân đơn (urê, lân) và DAP là nhóm hưởng lợi lớn nhất từ chính sách này. Lý do là nguyên liệu đầu vào của các loại phân này đều được hoàn thuế VAT.
Tuy nhiên, cơ hội này đi kèm với nhiều thách thức. Các doanh nghiệp cần tận dụng triệt để cơ hội giảm chi phí để tái đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại, đồng thời cải thiện chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu trong nước và vươn ra quốc tế. Chính phủ cũng cần đảm bảo tính minh bạch trong khâu hoàn thuế, giám sát chặt chẽ để tránh việc lợi dụng chính sách và đảm bảo giá phân bón được giữ ở mức hợp lý.
TS. Phùng Hà- Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam: Ngành nông nghiệp hiện là trụ đỡ quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam khi đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu, dự kiến năm 2024, xuất khẩu có thể đạt 60 tỷ USD (vượt xa kế hoạch là 55 tỷ USD và so với năm 2022 và 2023 là 54 tỷ USD) nên việc hỗ trợ toàn diện ngành nông nghiệp (trong đó, phân bón chiếm 30-60% giá trị đầu vào của vật tư nông nghiệp) là rất cần thiết. Với sự thay đổi về chính sách lần này sẽ mở ra nhiều kỳ vọng về “cục diện” tăng trưởng trong ngành phân bón Việt Nam. |