Sản xuất phụ thuộc nhập khẩu
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, nếu như năm 2010 sản lượng thức ăn gia súc, gia cầm công nghiệp chỉ đạt hơn 10 triệu tấn, thì đến năm 2018 đạt trên 23 triệu tấn. Sản xuất tăng trưởng cao nhưng chúng ta vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu NK. Năm 2018, ước tính 70% tổng nguồn nguyên liệu thô làm TĂCN phải NK. Điều này cũng được minh chứng rõ khi số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam chỉ ra rằng trong nửa đầu năm nay, NK TĂCN và nguyên liệu là gần 2 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Và theo dự báo của Bộ Công Thương, nhu cầu NK TĂCN sẽ tiếp tục tăng mạnh, có thể lên tới 3,8 - 3,9 tỷ USD vào cuối năm nay.
![]() |
Các DN sản xuất TĂCN trong nước cần chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất và chiến lược phát triển thị trường |
Ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) - cho biết: Sản xuất ngô trong nước chỉ đáp ứng được khoảng từ 40 đến 45% nhu cầu ngô hạt phục vụ chế biến TĂCN. Việt Nam chỉ chủ động được nguồn cám gạo, khoai mì. Một số vùng nguyên liệu không phát triển được vì năng suất cây trồng kém, người dân chưa tham gia vào chuỗi cung ứng TĂCN.
DN FDI chiếm lĩnh thị trường
Chuyên gia nông nghiệp Đặng Kim Sơn nhận xét, giá trị của ngành chăn nuôi không cao do phụ thuộc lớn vào thức ăn NK, lợi nhuận gần như rơi vào tay các DN NK và chế biến TĂCN, chủ yếu là DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo số liệu của Hiệp hội TĂCN Việt Nam, hiện cả nước có 240 DN sản xuất TĂCN, trong đó có 180 DN trong nước (chiếm 75%) và 60 DN FDI. Mặc dù DN nội nổi trội hơn hẳn về số lượng tuy nhiên xét về công suất và thị phần thì DN ngoại vẫn phát triển tốt hơn với công suất sản xuất 15.700 tấn/năm, chiếm xấp xỉ 60% tổng sản lượng.
Nghiên cứu của Liên minh Nông nghiệp cho thấy, thị trường TĂCN đang bị điều khiển bởi một số ít DN FDI. Các DN này đã tập trung thị trường, liên kết định giá, sử dụng hệ thống phân phối thông qua các đại lý độc quyền và chiết khấu lớn để cạnh tranh không lành mạnh với DN trong nước.
Để hạn chế tối đa sự độc quyền của các DN FDI trên thị trường TĂCN, tạo ra sự cạnh tranh về giá nhiều chuyên gia khuyến cáo, nhà nước cần có quy hoạch cho vùng nguyên liệu, đồng thời có những chính sách ưu đãi cho DN nội vay vốn đầu tư tạo vùng nguyên liệu, từ đó, thu hút ngày càng nhiều hơn các DN trong nước vào đầu tư, nghiên cứu, sản xuất TĂCN. Về phía các DN sản xuất TĂCN trong nước, cần chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất và chiến lược phát triển thị trường hợp lý để chủ động nguồn nguyên liệu cũng như giá bán cạnh tranh cho sản phẩm.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT): Trong quy hoạch của Bộ NN&PTNT, đến năm 2020 công suất các nhà máy TĂCN công nghiệp đạt khoảng 25 triệu tấn, sản lượng thực tế khoảng 17 triệu tấn nhưng đến năm 2017 nước ta đã đạt công suất 31 triệu tấn, sản lượng thực tế khoảng 21 triệu tấn. Chính vì vậy, cần hạn chế cho xây dựng, mở mới các nhà máy TĂCN, nhất là các vùng có mật độ nhà máy cao. |