Ông Hardy Diec - Chủ tịch kiêm TGĐ điều hành FedEx Express khu vực Đông Dương |
Công ty nghiên cứu thị trường Harris Interactive ( đại diện cho FedEx Express) vừa đưa ra một nghiên cứu về các cơ hội và thách thức trong xuất nhập khẩu mà các DNVVN khu vực châu Á Thái Bình Dương (APAC) đang đối mặt, ông có thể chia sẻ kỹ hơn về những cơ hội và thách thức này, đặc biệt là đối với DNVVN của Việt Nam?
Với tiêu đề “Global is the New Local: The Changing International Trade Patterns of Small Businesses in Asia Pacific” ( “Thế giới là một thị trường nội địa mới: Sự thay đổi về mô hình thương mại quốc tế của các doanh nghiệp nhỏ ở châu Á Thái Bình Dương”), nghiên cứu được dựa trên các cuộc phỏng vấn trực tuyến và qua điện thoại với 4.543 giám đốc điều hành cấp cao của các DNVVN tại 9 thị trường ở Châu Á Thái Bình Dương bao gồm: Trung Quốc Đại lục, Hồng Kông, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.
Kết quả cho thấy cho thấy, các DNVVN ở Việt Nam rất lạc quan về triển vọng xuất nhập khẩu. Cụ thể 87% DN được hỏi có lượng xuất khẩu ổn định hoặc tăng trong năm qua, tạo ra doanh thu trung bình 23.648 triệu VND, chiếm tỉ trọng xấp xỉ 50% tổng doanh thu của DN. Cứ 10 DN nhỏ tại Việt Nam thì có 8 DN (80%) hiện đang có mặt hàng xuất khẩu sang các thị trường ngoài khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cao hơn mức trung bình của APAC là 71%. Khoảng 57% lạc quan và tin rằng họ sẽ tiếp tục tăng xuất khẩu sang các thị trường ngoài khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm tới. Đồng thời, các DNVVN tại Việt Nam thậm chí còn lạc quan hơn về xuất khẩu trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với dự đoán tăng trưởng gần hai phần ba (62%) doanh thu trong những tháng tới.
Theo nghiên cứu, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế kỹ thuật số là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh giữa các DNVVN trong khu vực. Trên thực tế, các DNVVN ở Việt Nam cảm thấy hăng hái và lạc quan về cách nền kinh tế kỹ thuật số sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp của họ (73%), nhiều hơn so với các DN kinh tế nói chung (57%). Hiện 9/10 DNVVN ở Việt Nam đang áp dụng thương mại điện tử, thương mại di động và mạng xã hội thương mại và 76% mong đợi rằng các kênh này sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới.
Công nghệ mới là một yếu tố quan trọng khác trong tác động kinh doanh. Các DNVVN ở khu vực APAC đang khai thác và sử dụng rộng rãi các công nghệ mới của nền công nghiệp 4.0 để mở rộng hoạt động kinh doanh của họ. Các DNVVN của khu vực APAC có sự lạc quan về việc tăng cường áp dụng các công nghệ này, bao gồm thanh toán di động, dữ liệu lớn hoặc phân tích nâng cao, tự động hóa phần mềm, trong 12 tháng tới. 43% các DNVVN tại Việt Nam cho biết việc áp dụng các công nghệ mới này là để nâng cao hiệu quả trong chuỗi cung ứng và các kênh phân phối, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh của họ. Có thể nói thương mại điện tử, thanh toán di động, công nghệ đang tạo ra những cơ hội để các DNVVN trong khu vực này mở rộng kinh doanh ra quốc tế.
Đi cùng với cơ hội phát triển, các DNVVN Việt Nam hiện nay cũng đang phải đối mặt với nhiều thử thách trong hoạt động XNK, trong đó các trở ngại được quan tâm nhiều nhất là về hải quan, các vấn đề thanh toán cũng như việc tìm kiếm các nhà cung cấp mới ở thị trường nước ngoài và các vấn đề về ngoại hối.
Vậy theo ông giải pháp nào cho DNVVN Việt Nam giảm bớt những thách thức trên để gia tăng các hoạt động kinh doanh ra thị trường quốc tế?
Tôi xin phép không bàn về vấn đề ngoại hối vì không thuộc phạm vi của chúng tôi. Tuy nhiên đứng ở góc độ công ty vận tải toàn cầu, chúng tôi có thể hỗ trợ DNVVN tại Việt Nam bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu, bao gồm cung cấp sự hỗ trợ ở khâu hải quan và các giải pháp tích hợp...Đơn cử như giúp DN đơn giản hóa thủ tục thông quan nhờ vào công cụ Tài liệu thương mại điện tử - Electronic Trade Documents (ETD).
Cảm ơn chia sẻ của ông !